Bất động sản

Bất động sản tiếp tục trỗi dậy nhanh sau dịch?

Thị trường bất động sản được dự báo là một trong những kênh bật dậy nhanh nhất sau dịch Covid-19. Theo nhiều chuyên gia, lý do xuất phát từ nhu cầu cần chỗ ở và đầu tư sinh lời khá cao.

Giá căn hộ tại Hà Nội năm 2021 khó có biến động lớn / Giá bất động sản vẫn có chiều hướng tăng

1-3-Dau-tu-BDS-5579-1614589594.jpg

Donhu cầu ở và đầu tư sinh lợi khá cao nên bất động sản vẫn bật dậy tương đối nhanh sau dịch.

Đánh giá về sự hồi phục của thị trường sau mỗi lần diễn ra làn sóng Covid, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, ngay quý đầu tiên khi xuất hiện Covid-19 (quý I/2020), cả thị trường hoang mang, gần như rơi vào trạng thái tê liệt, đóng băng. Do đó, tỷ lệ hấp thụ các giao dịch trên thị trường chỉ đạt 14%.

Kênh trú ẩn an toàn

Trong quý II/2020, sau khi hết đợt giãn cách xã hội lần 1, thị trường đã bắt đầu phục hồi. Nhiều nhận định cho rằng, BĐS sẽ luôn là ngành trỗi dậy đầu tiên khi dịch bệnh được kiểm soát, bởi đây là ngành có lượng cầu rất lớn. Theo ông Đính, tình hình thực tế cho thấy nhận định này là đúng, bởi tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trong quý II đã tăng lên nhanh chóng, từ 14% lên 37%.

Tiếp theo, quý III/2020 cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 2, thị trường tiếp tục "đóng băng". Tuy nhiên, quý IV/2020, thị trường đã bật dậy một lần nữa với lượng hấp thụ các sản phẩm toàn thị trường trên 50%. Giá BĐS trên cả nước đều tăng, đặc biệt ở các đô thị lớn thiết lập mặt bằng giá mới.

“Trong quý IV, các chỉ số trở lại trạng thái bình thường như mọi năm, là quý ghi nhận sự tăng trưởng tốt nhất. Các nhà đầu tư không bao giờ ngồi yên. Họ có tiền, họ phải đi tìm chỗ để đầu tư, sinh lời”, ông Đính nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BHS Group đánh giá, hiện nay, trên thị trường có 3 nhu cầu chính, đó là nhu cầu mua để ở, nhu cầu đầu tư và các nhu cầu khác. Do đó, mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra, nhưng người mua để ở và đầu tư vẫn rất hào hứng. Rất nhiều nhà đầu tư chưa từng tìm hiểu về BĐS, gần đây cũng đã xem ở đâu có đất để mua. Dịch bệnh khiến họ không thể tiếp tục bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh vì rất rủi ro.

“Những nhà đầu tư này đều hỏi nhau rằng cất tiền ở đâu và cuối cùng họ chọn đổ vào BĐS. Đó không phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực BĐS nhưng vẫn muốn tham gia vào thị trường ở thời điểm này do tác động của Covid-19. Nên tôi thấy, thực ra Covid-19 đang tạo ra sự sôi động cho BĐS”, ông Tuyển nói.

Trên thực tế, theo Tổng giám đốc BHS, giá BĐS đang tiếp tục tăng dù tình hình kinh tế khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Trong lúc này, dù có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng nhiều người cuối cùng lại chọn BĐS để đầu tư hoặc làm chỗ trú ngụ an toàn cho tài sản.

Còn đó "điểm nghẽn" pháp lý

Có thể nói, sự khó khăn của thị trường BĐS thời gian vừa qua là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là bởi "điểm nghẽn" pháp lý và đại dịch Covid-19. Một số chuyên gia cho rằng, khó khăn đó không chỉ bắt đầu từ cuối năm 2019-2020, mà đã xuất hiện từ giai đoạn 2017-2018 với tình trạng "đóng băng" của nhiều dự án do pháp lý tác động đến.

 

Theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thị trường BĐS đã bị tác động tiêu cực do pháp lý trước khi Covid-19 tới, song kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong khi nhiều quốc gia rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Nhờ vậy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có sức sống cực kỳ tốt. Vào cuối năm 2020, khi nguồn cung giảm so với cầu khá nhiều dẫn đến giá BĐS tăng, Bộ Xây dựng cho rằng, việc giá tăng vào cuối năm là câu chuyện bình thường do lệch cung - cầu.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận tại sao nguồn cung lại giảm so với cầu? Nếu tiếp tục tình trạng này, trong 2-3 năm tới thì nguy cơ đầu cơ, "bong bóng" rất cao. Dấu hiệu là hiện nay có nhiều nhà cung cấp BĐS đang có “hàng” nhưng vẫn muốn giữ lại để 2-3 năm tới mới bung ra.

Một số chuyên gia cho rằng, do nghẽn về pháp lý nên hàng loạt dự án bị dừng lại để thanh tra, kiểm tra. Điều này khiến cho các thị trường truyền thống chậm lại, trong đó ảnh hưởng rõ thấy nhất là ở Hà Nội, TP.HCM.

Nguồn cung hạn chế nên có những dự án mở bán lần đầu có mức tiêu thụ lên tới trên 90%, cho thấy lượng cầu đang rất mạnh. Nguồn cung khan hiếm nên nhà đầu tư phải dịch chuyển đi tìm những "vùng trũng" BĐS mới.

Về những vướng mắc pháp lý khiến số lượng dự án BĐS giảm, theo ông Võ, có 2 khoảng trống lớn hiện nay là việc phê duyệt dự án trên đó có nhiều loại đất, có sự vênh giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở: Luật Nhà ở yêu cầu đất xây dự án nhà ở phải là đất ở, trong khi Luật Đất đai lại cho phép các loại đất khác.

 

Thứ hai là các loại hình BĐS mới như condotel, shophouse, officetel hiện vẫn chưa được cấp sổ hồng. Theo hướng dẫn từ Công văn 703 của Bộ TN&MT vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50-70 năm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm