Bất động sản vẫn hút khách trong đại dịch, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là thị trường được ưa chuộng nhất
Hàng trăm dự án bất động sản đang ách tắc, mong sớm sửa luật / Dự án Westgate Bình Chánh đang thế chấp ngân hàng, hơn 1.000 căn hộ chưa đủ điều kiện mở bán
Giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng mạnh so với cùng kỳ
Báo cáo thị trường quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn (đơn vị cung cấp các dữ liệu trực tuyến lớn nhất về thị trường BĐS Việt Nam dựa trên big data và machine learning) cho thấy thị trường BĐS chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khiến bức tranh chung khá ảm đạm.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có điểm sáng đến từ một số khu vực và loại hình BĐS, đặc biệt, giá BĐS vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Sự chuyển động của thị trường được thể hiện rõ rét qua dữ liệu tin đăng (đại diện cho nguồn cung) và lượt quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) ở từng loại hình BĐS cũng như từng khu vực trên cả nước.
Nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể: lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến BĐS toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.
Các tỉnh/thành có mức giảm mạnh nhất trong tháng 7 là Phú Yên (37%), Bình Dương (35%), Đồng Nai (35%), TP Hồ Chí Minh (33%), Khánh Hòa (32%) và trong tháng 8 là Đà Nẵng (49%), Bình Dương (40%), Hà Nội (36%), Đồng Nai 35%). Đây đều là những khu vực có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất cả nước.
Loại hình BĐS có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng/nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền. Trong tháng 8, Hà Nội có mức giảm mạnh ở cả hai thị trường BĐS bán và cho thuê so với TP Hồ Chí Minh, mức giảm lần lượt của hai khu vực là 36% và 17% so với tháng 7.
Theo Batdongsan.com.vn, mặc dù bức tranh chung mang nhiều màu xám, thị trường BĐS vẫn chứng minh sức hút và tiềm năng khi thể hiện sự phát triển ổn định ở một số khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đơn cử, Hải Phòng có mức độ quan tâm đến BĐS tăng ổn định 4% và 8% trong tháng 7, 8. Tại các địa phương từng là ổ dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, nhu cầu tìm kiếm BĐS cũng ngược dòng thị trường với mức tăng ấn tượng. Cụ thể, lượt quan tâm BĐS tại Bắc Giang ghi nhận mức tăng trưởng theo tháng là 22% và 26% trong tháng 7 và 8/2021. Chỉ số này của Bắc Ninh lần lượt là 40% và 7%.
Nếu như trong tháng 6, Bắc Ninh và Bắc Giang là hai tỉnh có lượt quan tâm BĐS sụt giảm mạnh nhất cả nước thì kể từ tháng 7 đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu BĐS có sự phục hồi mạnh mẽ và liên tục. Điều này chứng minh cho xu hướng thị trường qua các mùa COVID-19 trong các báo cáo của Batdongsan.com.vn: BĐS giảm trong dịch nhưng sau dịch có sự phục hồi và sức bật khá lớn do nhu cầu bị nén lại.
Đáng chú ý, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, giá chào bán chung cư tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.
“Với TP Hồ Chí Minh, dù lượt quan tâm có giảm nhưng dữ liệu cho thấy đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn và được ưa chuộng nhất cả nước. Trong khi số ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng gấp nhiều lần các địa phương khác, nhu cầu tìm mua và sự quan tâm dành cho thị trường này vẫn ghi nhận mức độ cao nhất, mức giảm cũng chỉ ở tầm 17% so với con số 35-40% tại Hà Nội, Bình Dương hay các tỉnh thành có dịch bệnh khác”, báo cáo của Batdongsan.com.vn nhấn mạnh.
Đánh giá về thị trường BĐS 9 tháng đầu năm, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng khẳng định trong 9 tháng vừa qua, số lượng và giá giao dịch các loại hình BĐS có biến động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thị trường không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng.”
Mức độ quan tâm bất động sản ở Bắc Ninh, Bắc Giang tăng mạnh trong tháng 9. Nguồn batdongsan.com.vn
Dòng tiền từ chứng khoán sẽ đổ về BĐS
Lý giải việc giá BĐS vẫn có xu hướng tăng trong khi giao dịch giảm, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào BĐS tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính.
Hiện nay một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào BĐS tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào BĐS trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%. Các tháng tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào BĐS mà tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau đó dòng tiền sẽ lại quay trở về với BĐS.
“Trong tình trạng đại dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào BĐS, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn. Tâm lý nhà đầu tư với thị trường BĐS hiện tại vẫn là tin tưởng vào sự phục hồi”, ông Nguyễn Quốc Anh dự báo.
Cùng chung những nhận định về điểm sáng của thị trường BĐS, giới chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài chính của Evergrande - Tập đoàn BĐS khổng lồ của Trung Quốc không tác động quá tiêu cực lên thị trường BĐS Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng nếu Tập đoàn BĐS khổng lồ Evergrande đầu tư cũng như có các dự án ở Việt Nam, hoặc kêu gọi các nhà đầu tư ở nước ta cùng tham gia thì thị trường chắc chắn sẽ có liên đới và chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy các dòng vốn của tập đoàn này trực tiếp đầu tư vào các dự án ở Việt Nam theo các kênh chính thống dường như không có, nếu có cũng rất ít.
Ông Đính khẳng định mặc dù các doanh nghiệp BĐS Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có ảnh hưởng do dịch COVID-19, tuy nhiên đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ có “sức khỏe” yếu - tài chính hạn chế. Còn các doanh nghiệp lớn thì khá ổn định do đảm bảo được nguồn lực tài chính. Cũng vì thế, trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS lớn trên thị trường chứng khoán dường như không có sự sụt giảm, nếu có thì sức ảnh hưởng cũng không nhiều.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng lưu ý rằng hiện nay Luật Kinh doanh BĐS đã có chế tài mạnh trong việc xử lý các trường hợp chủ đầu tư huy động vốn khi chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Khuyến nghị Chiến lược FDI tạo kỳ vọng thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp
Mặc dù vẫn có những trầm lắng do tác động tiêu cực từ COVID-19 nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường BĐS công nghiệp vẫn rất lớn ở thời điểm hiện tại. Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận BĐS công nghiệp Việt Nam nhận định: Việc chuyển đổi sang thu hút các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường BĐS công nghiêp. Trên thực tế, khi các chi phí thuê BĐS tăng cao, số lượng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất với tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ giảm xuống.
Những công xưởng sản xuất da giày và thời trang lớn với quy mô 10.000 công nhân sẽ dần di chuyển tới những khu vực xa hơn nơi chi phí thấp hơn, thậm chí có thể là các nước lân cận như Campuchia hay Myanmar. Các nhà phát triển hiện tại Việt Nam hiện nay đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các nhà sản xuất giá trị cao, đơn cử như lĩnh vực linh kiện điện tử hoặc ô tô từ châu Âu và Mỹ.
Theo ông John Campbell, việc Chính phủ Việt Nam thông qua đề xuất lập một kế hoạch phát triển kỹ năng quốc gia như một phần của Khuyến nghị Chiến lược FDI từ 2020 đến 2030 được kỳ vọng là một trong những yếu tố trọng tâm củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo