Bất động sản

Cảnh giác trước dự án ‘ma’ giăng bẫy tại TP. HCM

Trước tình trạng dự án “ma” nở rộ thời gian gần đây tại TP. HCM, chuyên gia khuyến cáo người dân cẩn trọng khi giao dịch bất động sản, cần tìm hiểu kỹ quy hoạch và pháp lý trước khi xuống tiền.

Lãi suất vay mua nhà còn 9,5%/năm và sẽ duy trì trong 2021? / 'Đất vàng, đất kim cương' TP.HCM đang đắt hơn Hà Nội ra sao?

Mặc dù cơ quan chức năng và chuyên gia đã cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn mắc vào "bẫy" dự án "ma" (Ảnh: TL)

Mặc dù cơ quan chức năng và chuyên gia đã cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn mắc vào "bẫy" dự án "ma" (Ảnh: TL)

Câu chuyện bán dự án “ma” không chỉ bây giờ mới xảy ra, mà trước đó Công ty Địa ốc Alibaba đã từng lừa đảo hàng nghìn khách hàng. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại nở rộ tại TP. HCM đã khiến nhiều người dân đối mặt với việc mất hết tài sản.

Nhiều trường hợp khởi tố

Tháng 9/2019, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) đã khởi tố hai anh em Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Luyện, TGĐ Cty Địa ốc Alibaba để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Anh em Luyện đã tổ chức thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp - lên đến 600 ha, rồi giao cho các cá nhân đứng tên vẽ ra 43 dự án "ma" để lừa đảo khách hàng.

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại TP. HCM cũng có đơn tố giác về việc CTCP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ BĐS Vũ Gia Phát và CTCP BĐS Việt Á Châu có hành vi lừa đảo ký HĐ với nhiều khách hàng chuyển nhượng QSĐ thuộc các dự án có tên gọi là Gia Gia Phát Garden, dự án Khu dân cư New Star, Dragon Center tại huyện Hóc Môn. Cơ quan CSĐT, Công an TP. HCM xác định đây là các dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

 

Còn tại quận 9, TP. HCM từ thực tế trong 2 năm xảy ra nhiều dự án phân lô, bán nền nằm trên giấy như đường Bưng Ông Thoàn (4 dự án), đường Nguyễn Xiển (3 dự án), đường Nguyễn Thị Tư (2 dự án)… Tại Q.9, còn có 3 công ty lén lút phân lô bán nền và "vẽ" dự án trên giấy cũng đang bị Phòng Quản lý đô thị quận này tập hợp hồ sơ chuyển cho cơ quan công an.

Ngày 4/12/2020, PC03, Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam Trương Tuấn Em (Giám đốc đại diện pháp luật CTCP đầu tư BĐS Eagle Land) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Eagle Land tự lập bảng vẽ phân lô khu đất trên thành 29 nền đất với tên gọi "Khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu, Quận 9", đồng thời tổ chức rao bán, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của khách hàng.

Ngoài ra, còn một loạt các công ty mạo danh khác tự lập và vẽ sơ đồ quy hoạch “ma” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng đã và đang bị cơ quan công an điều tra, khởi tố.

Cơ quan chức năng nhận định, hầu hết các khách hàng sau khi bị các công ty BĐS lừa đảo đều rơi vào tình cảnh mất toàn bộ tiền do các đối tượng này thừa nhận không đủ tiền khắc phục. Do đó, các cơ quan này cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ quy hoạch và tính pháp lý của dự án trước khi xuống tiền.

Tìm hiểu kỹ pháp lý

 

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, tình trạng dự án ma không phải gần đây mới xảy ra. Đây là bài học chúng ta đã nhìn thấy trong cơn sốt đất ở Ba Vì, Mê Linh và gần đây nhất là 43 dự án của Alibaba.

Thực tế trong quy định pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đất đai 2013 đã có những quy định rất rõ ràng việc việc dự án nào được chuyển nhượng đất đai, được bán nhà hình thành trong tương lai có những quy định rất cụ thể. Đơn cử, với đất nền muốn chuyển nhượng phải có quyền sử dụng đất, phải có giải phóng mặt bằng, đầu tư một phần hạ tầng theo đúng tiến độ dự án thì mới được chuyển nhượng.

Quy định pháp luật đã rất rõ, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn vấp phải các trường hợp là đầu tư tại các dự án chưa đủ pháp lý hay thậm chí là các dự án không có thật được các đối tượng lừa đảo vẽ ra.

“Đối với nhà đầu tư, không ai cấm việc đầu tư nhưng phải chắc chắn, theo đúng quy định nhà nước, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, không theo đám đông, không theo ‘cò’ dẫn đến mất tiền. Vì nếu đưa ra toà thì người bán đất đã mất khả năng thanh toán”, ông Hà nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, các dự án “ma” tập trung nhiều tại vùng ven TP. HCM và một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn.

 

Để ngăn chặn dự án “ma”, theo ông Lê Hoàng Châu, trước tiên là chính quyền các phường, xã, quận, huyện… cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân. Tiếp đến là các phương tiện thông tin đại chúng cần truyền thông kịp thời khi phát hiện những dự án sai phạm để cảnh báo người dân.

Một biện pháp mạnh đang được một số chính quyền địa phương áp dụng là cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.

“Người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán bất động sản. Trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải trình báo cơ quan chức năng sớm nhất hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Châu nhấn mạnh.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm