Bất động sản

Cuối năm mua bán căn hộ sang tay, chủ nhà lãi to, môi giới 'đút túi đậm'

Đã qua rồi thời "90% người đầu tư vào chung cư đến thời điểm này bán ra đều bị lỗ", thời gian vừa qua, thị trường căn hộ thứ cấp ghi nhận giao dịch khá sôi động.

Càng gần hết năm, đất Long Thành càng... 'dậy sóng' / Dự báo bất động sản 2021: Xuất hiện 2 yếu tố kéo thị trường, giá vẫn tăng

Thích một dự án chung cư thuộc phân khúc cao cấp ở Hà Đông song chị Minh Thúy (Hà Nội) mất nhiều tháng ròng mới "chốt" được. Chị Thúy cho biết, căn hộ này không mua trực tiếp từ chủ đầu tư mà mua lại từ người mua trước.

"Căn hộ có diện tích hơn 88m2, hồi đầu năm chủ đầu tư đưa ra mức giá khoảng gần 2,4 tỷ đồng. Chỉ sau có khoảng vài tháng, tôi mua lại của chủ cũ đúng căn đó với mức giá hơn 2,6 tỷ đồng. Lúc đầu họ định mua để sử dụng, sau thấy giá cả tăng tốt lên bán lại", chị Thúy chia sẻ.

Cuối năm mua bán căn hộ sang tay, chủ nhà lãi to, môi giới đút túi đậm - 1

Có thể thấy, đã qua thời "90% người đầu tư vào chung cư đến thời điểm này bán ra đều bị lỗ". Nhiều chung cư, chủ sở hữu bán lãi, thu về cả trăm triệu đồng.

Cũng đi tìm mua căn hộ "sang tay", anh Hoàng An (Nam Định) cho biết, giá cả ở nhiều dự án đều thiết lập một bằng mới, kể cả căn hộ nguyên bản lẫn căn hộ đã qua sử dụng.

"Hồi đầu năm tôi nghĩ dịch bệnh thế này, giá cả phải đi xuống, ai dè có khu đã bàn giao 2-3 năm, giá vẫn tăng, chủ cũ bán lãi cả trăm triệu đồng. Gọi cho văn phòng môi giới, họ cũng nói gần về cuối năm, mua bán sôi động, giá "nhích" lên trông thấy", anh An nói.

Trọng Tuyên - một môi giới lâu năm mảng căn hộ cho biết, không chỉ năm nay, năm nào cũng vậy, càng cuối năm nhu cầu tìm kiếm căn hộ càng cao. Riêng trong tháng 10, anh này cùng một số đồng nghiệp bán được cả chục căn, thu tiền môi giới (1% trên giá trị căn hộ hoặc có thể hơn nếu căn hộ thuộc dạng khó bán) lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chị Hiền - một môi giới khác ở Hà Nội cũng cho biết, ở nhiều khu vực do không có quá nhiều dự án mới để lựa chọn như một vài năm trước nên thị trường căn hộ thứ cấp sôi động hơn rất nhiều. Nếu đầu năm dân môi giới vì dịch "ngồi chơi xơi nước" thì tầm tháng 10 đổ về đây, nhộn nhịp dẫn khách đi xem nhà. Có nhiều môi giới 1 tuần "chốt" được 2 căn.

Tại một số dự án ở khu vực phía Bắc Từ Liêm, nhiều dự án thời điểm mới bàn giao chỉ có khoảng hơn 25 triệu đồng/m2, sau 3 năm, mặt bằng giá lên mốc 35 triệu đồng/m2.

 

Không chỉ ở Hà Nội, nhiều dự án căn hộ thứ cấp tại TP.HCM cũng ghi nhận xu hướng tăng giá "khủng", chạm mức 60-80% chỉ trong vòng 2-3 năm theo nghiên cứu một số tổ chức bất động sản. Hàng loạt dự án chung cư đã triển khai trên địa bàn quận 9, Thủ Đức và quận 2 cùng nhau ghi nhận tốc độ tăng giá chóng mặt chỉ sau vài năm hoàn thiện.

Nếu tính từ thời điểm 2017 đến nay, thị trường TP.HCM đã trải qua ít nhất 3 lần biến động giá mạnh. Loại hình căn hộ bình dân giá dưới 20 triệu gần như biến mất, phân khúc trung cấp với mức giá từ 20-25 triệu được điều chỉnh lên khoảng giá thấp nhất là 35 triệu/m2, giá bán trung bình toàn thị trường vào khoảng 45 triệu/m2.

Xu hướng tăng giá thứ cấp được nhận định là do chịu ảnh hưởng từ việc thị trường đang thiết lập một mặt bằng giá bán sơ cấp mới, liên tục tăng dần qua các năm khiến những dự án trên cùng khu vực "ăn theo" mức giá mới này, tăng vượt bậc.

Có thể thấy, đã qua thời "90% người đầu tư vào chung cư đến thời điểm này bán ra đều bị lỗ". Chung cư là một trong những phân khúc được đánh giá có nhiều tiềm năng ở thời điểm này trong bối cảnh nguồn cung mới khan hiếm.

Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh thêm, mức tăng giá ở phân khúc thứ cấp không đồng đều ở các dự án. Dự án nào chất lượng tốt, có sổ đỏ, quản lý vận hành tốt, vị trí tốt, không nhiều lùm xùm, tranh chấp... giá cả sẽ có xu hướng tăng trong vài năm đầu sau bàn giao. Ở một dự án, có quy hoạch xây công viên, mở đường... giá sẽ tăng đột biến. Ngược lại thị trường vẫn ghi nhận một số dự án xuống giá bởi chất lượng vận hành kém, không có sổ đỏ do dự án có vướng mắc, không có chỗ để ô tô...

 

Nhận định chung về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản cho biết, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao dẫn đến giá tăng. Theo vị chuyên gia này, trong khoảng hai năm trở lại đây, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Trong giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường.

Tuy nhiên theo nhận định của Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm