Bất động sản

Điểm sáng của thị trường nhà ở sau đại dịch Covid-19

Mặc dù bất động sản nhà ở là kế hoạch dài hạn, nhu cầu thường xuyên của khách hàng, nhưng vẫn chịu chung số phận “đìu hiu” bởi dịch Covid-19, khi từ đầu năm 2020 đến nay chưa có một dự án nào mở bán và các sàn cũng trong tình cảnh “chùa bà Đanh”. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định sau đại dịch sẽ là cơ hội tốt cho khách hàng có nhu cầu ở thực.

Quảng Trị: Xem xét đề xuất đầu tư 2 dự án nghìn tỷ tại TP. Đông Hà / Sắp thanh tra dự án tại 7 tỉnh thành trong năm 2020

Thống kê sơ bộ của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay chưa có một dự án nào được mở bán và trên 50% số sàn giao dịch bất động sản trên cả nước trong số 1.000 sàn đóng cửa. Con số này cho thấy, hầu hết ở tất cả các phân khúc bất động sản đều sụt giảm, kinh doanh kém hiệu quả.

Tiêu cực kép

Năm 2019 kết thúc có nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản khi cùng lúc tín dụng bị siết lại, chính quyền và các cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng các dự án để rà soát lại pháp lý… khiến nguồn cung nhà ở khan hiếm. Đặc biệt, trên cả nước chỉ có khoảng 10 dự án được khởi công.

Bước sang năm 2020, khi khó khăn từ năm trước chưa được tháo gỡ, bất động sản gặp thêm “cú bồi” đại dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới, càng làm cho thị trường rơi vào “thảm cảnh” khó khăn, khi từ đầu năm chưa có một dự án nào được khởi công, ngoài dự án nhà ở xã hội của Viglacera ở Yên Phong, Bắc Ninh.

Thị trường còn chứng kiến chưa có dự án nào được mở bán, do những ách tắc từ những năm trước chưa được tháo gỡ, cộng thêm dịch bệnh không được tụ tập đông người. Điều này khiến nhiều chuyên gia dự báo, dự án "nằm im" không triển khai được đồng nghĩa với việc vốn sẽ bị “ngâm” tại dự án, nợ sẽ tăng lên, càng làm cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn.

Chính vì vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tp. HCM đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, để các dự án được “cởi trói” và các doanh nghiệp không lâm vào tình trạng phá sản.

Khảo sát một số sàn giao dịch bất động sản tại quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, hầu hết các sàn đều “cửa đóng then cài”, chỉ có sàn trên đường Lê Đức Thọ (Cầu Giấy) và Trần Hữu Dực (Nam Từ Liêm) còn mở cửa để đón khách tham quan nhà mẫu.

Các nhân viên ở đây cho hay, từ đầu năm đến nay, mới có 2-3 giao dịch thành công, còn hầu hết là khách hàng đến tham quan nhà mẫu, nhưng lượng khách đến cũng giảm rất nhiều.

Trước đây, hồi năm 2019, trung bình ngày có 15-20 khách tham quan, thì nay chỉ còn 1-2 khách, chủ yếu là khách có nhu cầu thực. Khách đến cũng chỉ tham quan chứ không hẹn ngày đặt cọc, giao dịch hay ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, theo thống kê của Hội, cả nước có 1.000 sàn giao dịch bất động sản, nhưng trong tháng 2/2020 có 30% sàn đóng cửa, đến tháng 3/2020 có trên 50% sàn đóng cửa. Điều này đủ thấy các doanh nghiệp bất động sản thật sự “lao đao”, nhiều môi giới đã bỏ nghề để kiếm việc làm khác.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan nhận định sau đại dịch sẽ là cơ hội cho người mua nhà có nhu cầu ở thật (Ảnh: Internet)
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan nhận định sau đại dịch sẽ là cơ hội cho người mua nhà có nhu cầu ở thật (Ảnh: Internet)

Cơ hội tốt cho nhu cầu thật

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường nhà ở trong giai đoạn này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch những ngày qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Chỉ những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mới bỏ tiền ra mua bất động sản lúc này, giới đầu tư thì nhiều khả năng chưa thể xuống tiền.

Còn ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh tại MIKGroup, đánh giá dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến mảng thương mại dịch vụ. Đối với bất động sản nhà ở thì nhu cầu ở thật vẫn rất lớn và mức ảnh hưởng có thể gián tiếp hơn. Hơn thế, tại thị trường đang phát triển như Việt Nam, có thể xảy ra khủng hoảng cục bộ ở một vài địa phương chứ không trên diện rộng cả nước.

Lý giải tại sao thị trường nhà ở bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi đây là kế hoạch dài hạn và cũng là nhu cầu sở hữu nhà của khách hàng, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, việc suy giảm này kéo dài từ năm 2019 khi nguồn cung hạn chế.

 

Tuy nhiên, thực sự vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu nhà ở, nhưng trong bối cảnh này, khách hàng lo an toàn, lo cho sức khoẻ của các thành viên trong gia đình, chứ không có tâm trạng mua sắm nhà, xe, trang sức…; các doanh nghiệp cũng lo chống dịch, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tụ tập đông người… Do đó, thời điểm này không phù hợp mua – bán bất động sản, dẫn đến nhiều sàn giao dịch đóng cửa.

Cũng theo ông Đính, mặc dù nguồn cung thấp, nguồn cầu giai đoạn này cũng thấp, nhưng hiện tại, hầu hết tại các dự án đang mở bán từ trước đến nay đều chưa thấy công bố giảm giá, giá chung trên thị trường vẫn không có biến động. Thời điểm này, bán hàng có khuyến mại tặng quà là chính.

Nhận định về thị trường nhà ở sau đại dịch với tinh thần lạc quan, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh lần này không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường bất động sản... Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm. Đó cũng là một điểm tốt cho thị trường.

Còn ông Nguyễn Văn Đính tin tưởng, sau đại dịch, khả năng giá nhà sẽ giảm, vì các nút thắt về dòng tiền, thủ tục hành chính, pháp lý dần được giải quyết, các dự án ra hàng nhiều…, là cơ hội tốt cho người mua nhà.

Ở một khía cạnh nào đó, ông Dương Đức Hiển dự báo, đây lại là cơ hội tốt không nên bỏ qua với những doanh nghiệp có dự án và người có nhu cầu mua nhà thực.

 

“Tôi nghĩ sau giai đoạn này, thị trường sẽ có những thay đổi tích cực ở từng phân khúc, từng thị trường riêng. Chẳng hạn như bất động sản nhà ở, người ta sẽ quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh, an toàn cho cư dân. Tức là sẽ có sự trưởng thành của thị trường”, ông Hiển khẳng định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm