Trăm ô tô đến "săn" đất Hòa Lạc: Độc chiêu thổi giá 1 vốn 4 lời?
Hà Nam gọi đầu tư nhiều dự án sử dụng đất quy mô lớn / Nhu cầu kho bãi tăng trưởng đi ngược thị trường bất động sản trong dịch Covid-19
Nghịch lý thị trường bán tháo, riêng đất Hòa Lạc "sốt"
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã khiến các phân khúc bất động sản rơi vào tình trạng “bất động” khi lượng giao dịch giảm sâu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tâm lý e ngại của khách hàng trong bối cảnh tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của PV, bên cạnh tình trạng vắng bóng khách giao dịch tại các khu đất từng "sốt" như Hoài Đức, Long Biên, Sóc Sơn, trên các group rao bán nhà đất, hiện tượng “bán tháo”, “cắt lỗ” đang diễn ra ồ ạt. Điển hình tại group về nhà đất Sóc Sơn (Hà Nội), trung bình một ngày có tới gần 20 tin bán “cắt lỗ” đất. Tại group về nhà đất Hoài Đức, các hoạt động đẩy hàng cũng đang diễn ra mạnh mẽ.
Thế nhưng, một nghịch lý đã xảy ra. Trái ngược với những diễn biến trên thị trường bất động sản Hà Nội hiện tại, cuối tuần vừa qua (21,22/3) lượng nhà đầu tư đổ về khu Hòa Lạc tăng đột biến. Sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư tại khu vực này khiến nhiều người còn gọi là “ngày hội đất”.
Thông tin phản ánh trước đó của PV báo Dân trí cho biết, theo các môi giới kỳ cựu, sự biến động giá đất tại Hòa Lạc ở thời điểm này đang gần với giá trị thực, mới chỉ tăng vài triệu đồng/ m2, chưa đáng báo động. Nguy cơ sốt ảo có khả năng xảy ra nếu giá đất leo thang.
Mặt bằng tăng giá so với thời điểm trước khoảng vài triệu/ m2. Và dù hạ tầng xung quanh chưa có, chỉ là đất vườn nhưng những cam kết chuyển đổi đất vườn thành đất thổ cư được đặt ra.
Thông tin môi giới kiếm tiền tỷ mà không “nóng bỏng tay” càng khiến cho Khu vực Đồng Trúc trở thành tâm điểm của thị trường. Nguyên nhân được cho tạo lên cơn sóng đất như hiện tại xuất phát từ việc thông tin khu vực Đồng Trúc gần khu đô thị Vinhomes của Vingroup trong thời gian tới.
Cẩn trọng kịch bản “đánh sóng”
Trước thông tin đất Đồng Trúc có khả năng sốt nóng, ông Q.M (một môi giới kinh nghiệm 15 năm tại Hà Nội) nhấn mạnh: “Cần phải rất cẩn trọng với cơn sốt đất tại Hòa Lạc”.
Ông M. cho biết: “Trong giới đầu tư, một chiêu trò rất phổ biến đó là đẩy thị trường bằng kịch bản tạo và đánh sóng. Qua giai đoạn đánh sóng, khách hàng nhẹ dạ cả tin dễ bị ôm hàng hớ”.
“Trong thời điểm đại dịch như hiện nay, nhất là khi Hà Nội trở thành tâm dịch, thị trường sẽ không thể xuất hiện cơn sốt quá nóng như thời điểm trước bởi tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư rất e ngại.
Cần phải hiểu rõ tâm lý thị trường, khi đại dịch xuất hiện, nền kinh tế đóng cửa, nguy cơ khủng hoảng rất lớn. Khách hàng vay vốn ngân hàng sẽ khó trụ được trong đầu tư, buộc phải bán tháo. Ngoài ra, tâm lý giữ tài sản là đất sẽ được lựa chọn ở mức độ hợp lý với nguồn tài chính. Còn lại, khách hàng sẽ chọn phương án giữ tiền mặt, tránh rủi ro trong đầu tư.
Nếu một khu vực có tới hàng trăm nhà đầu tư đến một lúc trong ngày thì khả năng đây là kịch bản đánh sóng của một bộ phận nhà đầu tư.
Họ có thể là những người đã ôm các quỹ đất này từ trước với diện tích rộng lớn, chủ yếu đất vườn.
Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn, khả năng thanh khoản chậm, áp lực vay vốn ngân hàng, họ buộc phải bán tháo nên tạo ra kịch bản đánh sóng như nhiều người đổ về cùng một lúc, đưa thông tin có khu đô thị mới sắp được xây dựng, nâng giá và chốt lời: “Không mua ngay sẽ mất cơ hội”, ông M. phân tích.
“Như phân tích của tôi, nếu đất sốt thực sự “ăn theo” khu đô thị, đặt trong bối cảnh dịch như hiện tại thì lượng nhà đầu tư đổ về sẽ theo hướng từ từ, chậm, chứ không thể 1 khu vực có tới trăm nhà đầu tư. Bản chất nhà đầu tư vẫn còn tâm lý “neo tư duy”, tức kỳ vọng vào tỷ suất sinh lời tốt của thị trường nhưng thật khó để có một viễn cảnh là xuất hiện lượng lớn khách hàng có nhu cầu thực sự tìm mua. Có chăng là toàn dân môi giới, nhà đầu tư cùng tham gia kịch bản đánh sóng thị trường.”
Ông N.H (nhà môi giới khác tại Hà Nội) cũng cho rằng, với kịch bản tạo sóng như ở khu vực Hòa Lạc, khách hàng chốt lời có rủi ro rất cao. “Thị trường xuất hiện dấu hiệu lạ như vậy sẽ dễ xuống dốc, “đóng băng”, sau khi sóng qua nhanh. Thiệt hại của người ôm hàng cuối cùng rất lớn nếu thiếu đi nguồn tài chính tốt, nhất là ở thời điểm kinh tế khó khăn, đại dịch diễn biến phức tạp” – ông H nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo