Định hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất
Nhà đầu tư không thể đi trên con sóng cao giai đoạn "hậu sốt đất" / Vạn Xuân Group chính thức khai trương nhà mẫu giai đoạn 2 Happy One – Central
Các quyền đối với đất đai được pháp luật bảo hộ
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về những thành tựu đã đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế, trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các đại biểu tham dự hội thảo sẽ tập trung thảo luận, tìm ra những định hướng phát triển mới cho thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, thể chế các quan điểm, định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ các quyền đối với đất đai được pháp luật bảo hộ, bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện cho thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất phát triển.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, đã hoàn thiện thể chế cho thị trường sơ cấp giữa Nhà nước và các bên có liên quan thông qua quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cung đất ra thị trường; quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để lựa chọn nhà đầu tư; việc giao đất theo hình thức đấu giá công khai minh bạch; quy định xác định giá đất cụ thể khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hiện đã hoàn thiện thể chế cho thị trường thứ cấp giữa các chủ thể tham gia: Hoàn thiện quy định về các quyền của người sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện các quyền; đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận để tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường; thiết lập cơ chế tư vấn định giá đất, hoàn thiện các tổ chức dịch vụ công để hỗ trợ hoạt động của thị trường.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân chỉ ra rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sự phát triển của thị trường giao dịch quyền sử dụng đất như còn nhiều giao dịch chưa được đăng ký, giá giao dịch chưa phản ánh chính xác giá chuyển nhượng thực tế, còn tình trạng đầu cơ, bao chiếm đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, xử lý tài sản thế chấp gặp khó khăn.
Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, nếu không có một hệ thống quyền sử dụng đất và tài sản bất động sản gắn liền với đất được tích hợp và chính thức hóa, một nền kinh tế hiện đại sẽ không thể tồn tại được vì khả năng tạo ra của cải quốc gia bị hạn chế nghiêm trọng bởi các hạn chế giao dịch đối với quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất. Một thị trường đất đai hiệu quả sẽ giúp tạo lập vốn thông qua một thị trường giao dịch quyền thế chấp hiệu quả, tạo cơ sở cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cho các chủ đất đầu tư vay tiền.
Thị trường đất đai là cơ chế, với điều kiện có sự kiểm tra và cân bằng thể chế phù hợp, phân bổ quyền sở hữu và quyền sử dụng theo cách thức cho phép đất và các tài sản gắn liền với đất đai được sử dụng một cách kinh tế nhất. Với các quyền về đất đai được đảm bảo, thị trường đất đai có thể khuyến khích người dân đầu tư vào đất đai và huy động vốn từ các tổ chức tài chính vì đất đai có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp, cũng như làm cơ sở cho sản xuất để phát triển kinh tế. Một thị trường giao dịch quyền đối với đất đai hiệu quả có thể cải thiện khả năng huy động vốn cho nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế của một quốc gia, là động lực cho tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng của quốc gia đó. Khung khổ pháp luật công nhận quyền và giao dịch quyền của các nước được thực hiện thông qua hệ thống quản lý đất đai. Một hệ thống quản lý đất đai hiệu quả cho phép quản lý hệ thống cấp quyền và giao dịch quyền hiệu quả; cho phép nhà nước quản lý nghĩa vụ tài chính của đối tượng sử dụng đất hiệu quả; và cho phép nhà nước quy định, giám sát chế độ sử dụng đất hiệu quả thông qua công cụ quy hoạch.
Kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất
Các đại biểu cho rằng, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, mở rộng khả năng tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước. Hệ thống thông tin đất đai giúp hoàn thiện được cơ chế công khai, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất, tình trạng giao dịch, giá, quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất và bất động sản trên đất. Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được quản lý thống nhất, tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chính xác, tin cậy, bảo mật thông tin để có thể chia sẻ sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng.
Mô hình tổ chức, bộ máy quản lý địa chính, quy hoạch, giá đất, gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được quản lý đồng bộ, thống nhất, bảo mật cao, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, theo thời gian từ trung ương tới địa phương là tiền đề để đổi mới hệ thống quản lý đất đai, từng bước thực hiện hạch toán tài nguyên đất, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước theo định hướng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về phạm vi không gian quản lý tài nguyên đất đai; phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai; rà soát thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong công tác quy hoạch, kế hoạch, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giá đất, chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về nội dung cần tăng cường đầu tư nguồn lực để đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; áp dụng quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan. Các loại quyền đối với đất đai phải được đăng ký và bảo hộ; ứng dụng công nghệ vào xác định giá đất; mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam trong thời gian tới; ứng dụng công nghệ GPS, cơ sở dữ liệu lớn bản đồ chuyên đề nhiều lớp, công nghệ trí tuệ nhân tạo, đám mây, chuỗi khối để thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai...
End of content
Không có tin nào tiếp theo