Giá mua vượt tầm với, dân 'khát' nhà cho thuê giá rẻ
Cách nào 'hồi sinh' nhà giá rẻ? / Vì sao đã sở hữu bất động sản nhà đầu tư lại càng muốn mua nhiều thêm?
Ở sâu trong ngõ trên đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vợ chồng anh Đàm Thanh Tú cùng một con nhỏ sống trong một căn nhà trọ 17m2. Hai phòng chung một nhà vệ sinh kiêm tắm giặt, để không phải đợi, nhiều hôm anh Tú báo thức từ 5h sáng. Chủ nhật, đông người, không khí càng ngột ngạt.
“Đỏ mắt” tìm nhà thuê
Từ Bắc Giang xuống Hà Nội lập nghiệp đã gần 10 năm, anh Tú cho hay từng ước mơ có nhà riêng nhưng giờ thì không còn hy vọng nữa. Vợ chồng anh đều là công nhân tại một khu công nghiệp ở Bắc Thăng Long, tháng nào tăng ca nhiều thì được hơn 20 triệu đồng.
“Chi tiêu chắt bóp thì tiền nhà, điện nước, quần áo, học phí bán trú cho cậu con trai học lớp 3 cũng “ngốn” hết phần lương của vợ tôi. Tháng nào không may ốm đau, lễ lạt nhiều thì tốn hết cả phần lương của tôi. Trung bình mỗi năm, may mắn thì nhà tôi tiết kiệm được 40-50 triệu đồng”, anh Tú nói.
Với thu nhập hiện tại, vợ chồng anh Tú phải mất ít nhất 20 năm tiết kiệm để mua một căn nhà có giá 1 tỷ đồng. Nhưng giá nhà ở xã hội hiện tại rẻ cũng trên 1,5 tỷ đồng/căn, nên đã từ lâu anh đã chuyển từ ước mơ có tiền mua sang nhu cầu đi thuê.
Tuy nhiên, cái khó của anh Tú cũng như hàng trăm nghìn gia đình trẻ ở thành thị hiện nay là tìm thuê một căn nhà đúng nghĩa rất khó. Bởi, ngay cả những khu nhà, ký túc xá dành riêng cho công nhân tại các khu công nghiệp thì giá thuê hiện cũng quá cao so với thu nhập.
Không thể mua, người dân đang khát nhà cho thuê giá rẻ. |
Theo nghiên cứu của công ty Cát Tường, một đơn vị chuyên triển khai các dự án nhà ở xã hội, công nhân thường chỉ bỏ ra 10 - 15% tổng thu nhập hàng tháng để lo nhà ở. Ví dụ lương 8.000.000 - 10.000.000 đồng, họ sẽ trích ra 1.000.000 - 1.500.000 triệu đồng/tháng để thuê hoặc trả tiền mua nhà.
Nếu vượt quá, họ sẵn sàng chọn nhà trọ không đảm bảo bên ngoài, để tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình. Bởi vậy, cả doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng, các gói hỗ trợ cho nhà ở công nhân tới đây sẽ tính toán kỹ cách thức hỗ trợ, nhằm giảm giá thành những khu nhà cho thuê.
Có một nghịch lý là trong khi hàng triệu công nhân, người thu nhập thấp đang “khát” chỗ ở, thì nhiều khu nhà cho thuê, ký túc xá khu công nghiệp lại “ế ẩm”, không có khách cư trú.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty Cát Tường, dẫn chứng: "Có dự án nhà ở công nhân và khu nhà trọ chỉ cách nhau dãy phố, nhưng một bên vắng tanh còn một bên trọ sầm uất. Lý do là bởi giá thuê có thể chỉ cao hơn vài trăm nghìn nhưng điều kiện trong các khu nhà ở công nhân quá khắt khe".
Cấp thiết khơi thông điểm nghẽn
Khảo sát trên địa bàn xã Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh), hầu hết các khu nhà cho thuê đều được doanh nghiệp thuê lại để cho công nhân ở. Tuy nhiên, các khu này chỉ được lấp đầy trong thời gian dịch bệnh, vì yêu cầu “3 tại chỗ”, khi hết dịch nhiều gia đình lại quyết định ra ở trọ.
“Cần tiếp tục nghiên cứu để bù giá cho nhà ở công nhân. Ngưỡng giá thuê của số đông hiện tại là 10-15% thu nhập. Bên cạnh đó, cần đảm bảo cho họ sự riêng tư. Đặc biệt, với các gia đình có con nhỏ, việc gò bó họ quá khắt khe là bất khả thi. Công nhân không thể ở tập thể như sinh viên”, ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, tại các khu công nghiệp do Nhà nước xây dựng, cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy hơn trong việc quản lý. Ông Nguyễn Hồng Giang, đại diện công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà ở Hà Nội, cho biết: "Dự án Nhà nước đầu tư thì khi có hỏng hóc, thủ tục xử lý chậm, qua nhiều kênh, để xử lý được sự cố, vì vậy cần có giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại".
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mong muốn có thể đứng ra mua hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân ở. Song, Luật Nhà ở 2014 quy định, loại hình này chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua, cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có quy định bán cho tổ chức, doanh nghiệp. Quy định đã làm giảm bớt lượng khách của các dự án.
Phản hồi ý kiến từ các doanh nghiệp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân đang được đề xuất tháo gỡ dần. Và thực tế, thời gian qua, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng đang đầu tư mạnh cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Điển hình, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2. Đến năm 2030, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội phục vụ người lao động. Còn ở TP. HCM, mới đây HĐND TP đã đồng thuận dành 12.400 tỷ đồng ngân sách xây gần 100.000 nhà ở xã hội đến năm 2030.
Có thể thấy, khi bám trụ lại thành phố, người lao động nào cũng mong có chỗ ở đàng hoàng. Nếu không thể tiếp cận mua nhà ở xã hội đang có mức giá trung bình 1-1,6 tỷ đồng/căn, cần có giải pháp để tăng số lượng nhà cho thuê đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng và giá cả.
Ngay cả với các khu nhà trọ, nhóm đang giữ vai trò chính trong việc giải quyết chỗ ở cho lao động nhập cư tại các thành phố lớn, cũng cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn. Có một thực tế là các gói hỗ trợ hiện tại quá nhiều tiêu chí, khiến các chủ nhà trọ thừa nhận “chịu chết” không thể đáp ứng.
Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động, bên cạnh các gói tài chính hỗ trợ, cần xem xét lại hệ thống tiêu chí đi kèm, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục vay để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân, chủ nhà trọ dễ tiếp cận. Sự vào cuộc của cả hệ thống có lẽ là cách duy nhất để giải bài toán số lượng và chất lượng nhà ở cho người lao động trong thời gian tới.
Hưng Nguyên
End of content
Không có tin nào tiếp theo