Bất động sản

Hậu Covid-19, thị trường bất động sản thay đổi 'bản lề'

Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, tuy nhiên sẽ không sụp đổ như nhiều đánh giá, thậm chí có những điểm sáng và những thay đổi "bản lề" để có một giai đoạn 2020 - 2030 phát triển mạnh mẽ hơn.

Bất động sản công nghiệp và nguy cơ 'Khủng hoảng thừa' / Kinh tế ban đêm - ‘gà đẻ trứng vàng’ của bất động sản nghỉ dưỡng

Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản (BĐS)phải đối mặt với nhiều thách thức. Hầu như tất cả các doanh nghiệp BĐS đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các sự kiện mở bán, quảng bá sản phẩm bị huỷ bỏ vì giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng và gặp gỡ khách hàng đều không thể thực hiện được. Vì vậy, lượng tiêu thụ sản phẩm chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Lượng giao dịch thành công cũng giảm vài chục phần trăm.

Thị trường "bừng tỉnh"

Các dự án BĐS đang triển khai cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiến độ, bởi tình trạng thiếu nguyên liệu, nhân công và khó khăn trong việc thu xếp tài chính.

Tuy nhiên, từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ thì thị trường như "bừng tỉnh", mọi hoạt động mua bán diễn ra sôi động như chưa có chuyện gì xảy ra. Điển hình như dự án Vinhomes Ocean Park, trung bình bán 150 căn/tuần; Legacy Hill Hoà Bình có trên 100 căn được booking trong một tuần, Citidines Marina Hạ Long: 25 căn được đặt mua trong 15 ngày mở bán...

Trong các báo cáo của CBRE, Savills, JLL đã chỉ ra những cơ hội đến từ dòng vốn dịch chuyển đến Việt Nam, nhất là thời điểm sau đại dịch khi chuỗi giá trị được nối lại và nhu cầu tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguồn cầu trên thị trường cũng rất lớn vì có khoảng 70% dân số Việt Nam thuộc nhóm dân số trẻ, nên sản phẩm BĐS dân dụng, đặc biệt là căn hộ trung tâm sẽ có khả năng phục hồi nhanh sau dịch.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group, nhìn nhận thị trường một cách lạc quan. Theo đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng một loạt thông tin tốt cho thị trường liên quan đến tháo gỡ pháp lý như cấp sổ đỏ cho condotel, Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ 25m2 …, là những điểm mấu chốt để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.

Hơn nữa, sự nhạy bén của các chủ đầu tư khi ra các dòng sản phẩm mới như BĐS công nghiệp và phụ trợ khu công nghiệp như nhà ở, khách sạn, trường học… là cơ hội cho thị trường phát triển.

Các chuyên gia vẫn lạc quan về thị trường bất động sản (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia vẫn lạc quan về thị trường bất động sản (Ảnh: Internet)

Khó giảm giá sâu

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CenGroup dự báo, trong ngắn hạn và trung hạn từ 12 - 24 tháng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có những thay đổi cục bộ ở một số phân khúc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 không hẳn là nguyên nhân duy nhất tác động tới giao dịch BĐS, mà những xu hướng dịch chuyển này đã xuất hiện từ năm 2018 và trở nên rõ nét từ nửa cuối năm 2019.

Làm rõ hơn về những nét chính của thị trường trong ngắn và trung hạn, ông Hưng cho rằng, đối với nhà ở đô thị - vốn là phân khúc giá rẻ, luôn giữ vai trò điều tiết thị trường, dự báo sẽ chững lại và giảm nhẹ về số lượng giao dịch.

Phân khúc trung và trung bình khá được chú ý hơn. Khách hàng quan tâm nhiều hơn tới tiện nghi và sự an ninh, an toàn, vì vậy, những nhà ở nằm trong khu đô thị với đầy đủ tiện ích và đặc biệt là y tế và trường học sẽ được ưa thích hơn là những dự án nhà ở riêng lẻ, thiếu tiện ích.

 

BĐS cao cấp dự báo vẫn sẽ gặp khó, nhưng đây là phân khúc có độ “lỳ” cao, ít nhạy cảm giá. Biệt thự hoặc nhà liền kề trong những dự án cao cấp vẫn sẽ có khách hàng, và giao dịch tốt hơn những chung cư cao cấp.

“Phân khúc condotel, biệt thự biển được dự báo sẽ thoái trào trong vài năm tới. Thay vào đó là những căn hộ dịch vụ và những mô hình du lịch trải nghiệm như homestay, farmstay sẽ lên ngôi”, ông Hưng nhìn nhận.

Theo Phó chủ tịch CenGroup, second-home (ngôi nhà thứ 2) sẽ là một xu thế mới ở vùng ven các đô thị lớn. Tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, những khu vực ngoại ô như Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì… đã nhiều lần "sốt đất" nhưng vẫn còn tự phát. Nay, các chủ đầu tư sẽ tập trung phát triển thành các khu nhà vườn ngoại ô một cách bài bản, với mục đích bán cho các khách hàng có nhu cầu second-home.

Những loại hình khác như BĐS công nghiệp, BĐS logistics (kho cảng, bến bãi, căn hộ dịch vụ nằm gần khu công nghiệp…) sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

"Nhìn chung, trong ngắn và trung hạn, thị trường BĐS Việt Nam có thể chững lại về lượng giao dịch nhưng sẽ không có xảy ra hiện tượng giảm giá sâu, thậm chí còn có thể tăng nhẹ. Trừ loại hình BĐS du lịch truyền thống. Và từ năm 2023 - 2024 sẽ thiết lập một đỉnh cao mới của thị trường BĐS Việt Nam", Phó chủ tịch CenGroup nhận định.

 

Còn theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group, thị trường BĐS Việt Nam trong vài năm sắp tới dự kiến sẽ không bị sụp đổ như nhiều người nghĩ. Thậm chí có những điểm sáng và những thay đổi "bản lề" để có một giai đoạn 2020 - 2030 phát triển mạnh mẽ hơn.

"Trong dài hạn thì cần sự tài tình của các cơ quan nhà nước điều tiết để "quả bóng oxy" không bị xẹp đi do lạm phát hoặc không bị nổ tung khi thị trường quá hưng phấn khó kiểm soát. Còn về các chủ đầu tư, phần thắng sẽ thuộc về các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất và đưa ra được các dòng sản phẩm có giá trị thực, đáp ứng nhu cầu dài hạn của người mua", ông Tuyển nói.

Tổng giám đốc BHS Group kỳ vọng, hậu Covid-19 sẽ là cơ hội để BĐS Việt Nam điều tiết, phát triển và thịnh vượng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm