Bất động sản

Hậu dịch COVID-19, bất động sản hàng hiệu vẫn được săn lùng

DNVN - Nhận diện về xu hướng và tiềm năng phát triển bất động sản (BĐS) hàng hiệu, các chuyên gia cho rằng đây là thị trường sẽ hút khách hậu COVID-19 và hiện thị trường này đang cầu cao - cung hiếm…

Cần xem xét cấu trúc tài chính doanh nghiệp bất động sản Việt trước “bom nợ” Evegrande / Phú Quốc - Nhiều thay đổi hấp dẫn chờ đón du khách và nhà đầu tư

COVID-19 là lực đẩy cho bất động sản hàng hiệu

Nhận diện về xu hướng và tiềm năng phát triển bất động sản (BĐS) hàng hiệu, các chuyên gia cho rằng đây là thị trường sẽ hút khách hậu COVID-19 và hiện thị trường này đang có hiện tượng cầu cao - cung hiếm… Tại toạ đàm “Nhận diện Xu hướng và Tiềm năng phát triển BĐS hàng hiệu” tổ chức vào sáng 11/10/2021, các ý kiến cho rằng ở Việt Nam thị trường BĐS hàng hiệu đang có hiện tượng cầu cao - cung hiếm.

Mô hình BĐS hàng hiệu xuất hiện cách đây cả trăm năm. Ba thị trường đứng đầu toàn cầu về BĐS hàng hiệu hiện nay là Miami, Dubai và New York. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, BĐS hàng hiệu xuất hiện khoảng từ 10-15 năm trở lại đây với những thị trường sôi động như Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, nhờ lợi thế du lịch cùng với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của giới giàu và siêu giàu.

Riêng Việt Nam, mô hình BĐS hàng hiệu vẫn còn mới và xa lạ dù tiềm năng tăng trưởng rất nhiều do lợi thế về du lịch, tốc độ tăng trưởng của giới giàu, siêu giàu Việt Nam thuộc diện hàng đầu thế giới trong 5 năm tới.

Việt Nam đang nổi lên như một thị trường BĐS hàng hiệu tiềm năng của thế giới, thu hút nhiều thương hiệu quốc tế tại các dự án TP Hồ Chí Minh và Hà Nội...

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Savills cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm 10 thị trường BĐS hàng hiệu phát triển nhanh nhất thế giới. Nguồn cung BĐS hàng hiệu tại đây tăng bình quân 11% từ năm 2017. Đến quý 1/2021, Việt Nam đã có 24 dự án BĐS hàng hiệu với hơn 2.200 căn hộ, tập trung chủ yếu tại các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển.

Vẽ lại bức tranh tổng quát về thị trường BĐS hàng hiệu, đại diện Savills nhận định: "Ngay từ thời điểm trước khi đại dịch diễn ra, chúng tôi đã ghi nhận nhu cầu rõ rệt của thị trường Việt Nam với mô hình BĐS hàng hiệu. Đây là một biểu tượng cho địa vị và thành công có giá trị bền vững trước mọi biến cố - vượt xa những xa xỉ phẩm thông thường như túi xách hay xe hơi hàng hiệu. Nhu cầu này đã được ghi nhận từ trước đó nhưng khi dịch bệnh diễn ra, những biến đổi tâm lý và lối sống đã vô tình làm nổi bật lên những giá trị của phân khúc BĐS hàng hiệu".

Với tốc độ tăng trưởng giới giàu và siêu giàu Việt Nam đạt 36%/năm trong giai đoạn 2020 –2025 thì thị trường BĐS hàng hiệu tại Việt Nam có nhiều sức hút.

Cho dù nhiều tiềm năng, nhưng thực tế cũng cho thấy, nguồn cung BĐS hàng hiệu tại Việt Nam còn khan hiếm, hầu như còn không có trên thị trường. Nếu có thì đó chỉ là những dự án BĐS hàng hiệu nghỉ dưỡng ven biển, còn những dự án trong khu đô thị vắng bóng. Hiện tại, vẫn chỉ là những dự án đang được các chủ đầu tư xây dựng, hứa hẹn cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp vượt trội.

Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển và Kinh doanh cho rằng, yếu tố dịch bệnh hiện nay không quá đáng lo, vì dịch bệnh hay thảm họa ảnh hưởng đến người giàu rất ít, chủ yếu ảnh hưởng tới người nghèo. Đồng thời, sau đó thì phục hồi của người giàu cũng nhanh hơn nhiều so với người nghèo.

Cụ thể, người nghèo chỉ có trông cậy vào phục hồi kinh tế, nói cách khác tốc độ phục hồi của người nghèo thường ngang bằng với tốc độ tăng trưởng GDP. Trái lại, người giàu phục hồi dựa vào tốc độ tăng trưởng thặng dư vốn trên thị trường tài chính, trong khi tăng trưởng thặng dư này thường cao hơn rất nhiều so với tốc độ của GDP.

Thực tế cũng cho thấy, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, tại Mỹ, các doanh nghiệp lớn và người giàu chỉ cần thời gian 1 năm để phục hồi. Trong khi đó, hàng triệu người dân nghèo ở Mỹ vẫn phải ăn chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm nhiều năm sau đó.

“Điều này cho thấy, BĐS hàng hiệu không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nguyên nhân của việc nhu cầu mua BĐS hàng hiệu chậm không phải vì người dân không có tiền và không có nhu cầu, mà là do chưa quen với cuộc sống trong một khuôn viên chứa đựng tất cả các yếu tố về làm việc, nghỉ dưỡng, thư giãn, gần gũi thiên nhiên, trí tuệ, tâm linh…

Mặt khác, chính chủ đầu tư dự án cũng đang tỏ ra e dè khi phải đầu tư một đống tiền nhưng rủi ro thanh khoản luôn thường trực. Đặc biệt, nếu nguồn vốn đầu tư được lấy từ các khoản vay ngắn hạn, vay ngân hàng thì sẽ khiến chủ dự án khó khăn về dòng tiền trong tương lai gần.

Bất động sản hàng hiệu ngày càng hút khách. Nguồn ảnh Internet.

Bất động sản hàng hiệu ngày càng hút khách. Nguồn ảnh Internet.

Các chủ đầu tư không nên chỉ phô trương về sự xa xỉ

Vấn đề đặt ra ở đây là với nguồn cung hạn hẹp, liệu rằng có xảy ra tình trạng “sốt giá” BĐS hàng hiệu hậu đại dịch COVID-19 hay không?

Để thị trường này thực sự sôi động, cần phải thay đổi thói quen người tiêu dùng và tư duy chiến lược của nhà đầu tư.

Trong điều kiện tại Việt Nam, muốn thúc đẩy phân khúc này phát triển, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các chủ đầu tư không chỉ phô trương về sự xa xỉ mà còn phải mang lại thêm nhiều giá trị khác như phòng đọc sách, phòng hòa nhạc, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng. Phải thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, khiến họ thích ở những dự án cao cấp.

 

“Làm sao để khiến người dân ở cảm thấy không cần đi đâu xa vẫn có thể nghỉ ngơi, thuận tiện trong công việc, thuận tiện chăm sóc gia đình và đặc biệt có cộng đồng dân cư có nhiều điểm chung. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nên chọn khu đất xây dựng quá xa trung tâm. Nếu sau này muốn hút vốn đầu tư nước ngoài thì có thể nghĩ đến việc phát triển thêm tại các khu vực khác tuỳ theo tình hình lúc bấy giờ”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam cho rằng, người Việt có tính khiêm tốn cao nên không muốn khoa trương. Nhưng nếu không khoe ra thì làm sao người khác biết rằng đây là khu nhà ở có nhiều người cùng chung sở thích, cùng gu thẩm mỹ với mình mà đến sống.

“Nhu cầu là rất lớn nhưng nhiều người ngại mua do tính khiêm tốn cao. Khi nào người dân Việt vượt qua được sự e dè, không sợ người khác nói mình giàu thì đó là thời điểm BĐS hàng hiệu ngày càng phát triển”, ông Bảo phân tích.

Ngoài ra, ông Bảo chia sẻ thêm, giá trị sử dụng là sự hưởng thụ, mà điều này lại phụ thuộc vào nhu cầu của người mua. Trong khi đó, người mua BĐS hàng hiệu đều thuộc giới tinh hoa nên sự thỏa mãn của họ rất vô cùng và cần nhiều giá trị vô hình.

“Bên cạnh yếu tố an toàn là quan trọng nhất (an toàn sức khỏe, bảo mật thông tin, an ninh tốt..) và tính thanh khoản cao (cần tài chính có thể bán được ngay) thì họ rất thích sống trong cộng đồng dân cư có cùng đẳng cấp với mình. Vì vậy, tôi biết rất nhiều người là chủ dự án nhưng họ vẫn tự đi bán những dự án BĐS thương hiệu để chọn lọc kỹ lưỡng người mua, chọn lọc kỹ cư dân ở dự án của mình”, ông Bảo nói.

 

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm