Khách sạn rao bán ế ẩm: Người bán, kẻ mua cùng... chờ cơ hội
Bất động sản công nghiệp: Nếu không nhanh sẽ mất cơ hội đón ‘đại bàng’ / Bất động sản không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn
Như Thời báo Kinh Doanh đã đưa tin, sau khi đại dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát, xu hướng bán khách sạn diễn ra mạnh mẽ, do nhiều chủ khách sạn dùng đòn bẩy tài chính và nhiều người đi thuê khách sạn kinh doanh nhưng không hiệu quả. Có những chủ khách sạn chỉ trong 3 tháng đã lỗ gần chục tỷ đồng và không có khả năng duy trì kinh doanh tiếp.
Chỉ rao bán khách sạn 2-3 sao
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Hùng, một môi giới trang batdongsan.com.vn cho hay, anh nhận rao bán 2 khách sạn trên phố cổ từ hồi sau dịch lần thứ nhất, tức đầu tháng 6, nhưng cho đến nay sau nhiều lần đưa khách đến xem, tìm hiểu...Khách vẫn chỉ dừng lại ở công đoạn... hỏi giá chứ chưa có khách nào chốt mua. "Có một khách dự định đặt cọc, tưởng như đã "chốt" được nhưng sau vài ngày họ tìm cách hoãn vô thời hạn", anh Hùng buồn bã nói.
Tương tự, chị Lý Thị Thu, chủ một khách sạn trên phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm) cho hay, chị đã rao bán một khách sạn 7 tầng từ hồi cuối tháng 6, sau nhiều lần chưa chốt được giá bán, chị tiếp tục gồng gánh "con nợ" này thêm gần 3 tháng và tới nay chị đang hy vọng khi đường bay quốc tế được mở lại, khách sạn tiếp tục đón khách, gỡ cho chị giai đoạn đang thực sự khó khăn này.
Đánh giá về việc các chủ khách sạn rao bán tài sản trên các diễn đàn và các trang kinh doanh bất động sản, đại diện công ty JLL Việt Nam cho hay, mặc dù thông tin rao bán khá nhiều, nhưng giá cũng không phải là “mềm” so với thị trường trước khi có dịch.
Tại thời điểm này, các khách sạn 4-5 sao vẫn còn trụ được suốt mùa dịch vì tiềm lực tài chính tốt. Còn các khách sạn 2-3 sao được chia thành 2 nhóm: Nhóm một là quy mô gia đình, có truyền thống kinh doanh khách sạn hàng chục năm, thường các chủ tài sản này không gặp vấn đề về nợ vay. Nhóm hai là khách sạn được kinh doanh bởi các chủ tài sản là “tay chơi” ngoại đạo, mới gia nhập thị trường này, hoặc chủ khách sạn chỉ đơn thuần là thuê để khai thác, áp lực tài chính rất lớn. Họ muốn bán nhưng không giảm giá, cắt lỗ.
“Các khách sạn nhóm này xả hàng nhưng chưa sẵn sàng bán tháo vì vẫn cố gồng gánh các khoản lỗ. Thế nhưng nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng chủ tài sản có thể tiến thêm một bước nữa là cân nhắc việc giảm giá", vị đại diện công ty JLL nói.
Tâm lý chờ đợi
Đánh giá về thực trạng các khách sạn được rao bán nhiều, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khách sạn bị ảnh hưởng lớn nhất do lượng khách sụt giảm, hiệu quả kinh doanh kém.
Phân tích về nguyên nhân khách sạn được rao bán nhưng ít người mua, ông Đính nhìn nhận, hiện cả thế giới đang đối mặt với khủng hoảng dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế chưa biết kết thúc vào lúc nào. Mặc dù thị trường Việt Nam rất có tiềm năng, có cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt là khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư sẵn tiền nhưng họ vẫn cân nhắc đầu tư trong lúc này có hiệu quả không, cơ hội khi nào sẽ đến?
“Do đó, nhà đầu tư vẫn còn xem xét, nghiên cứu, thăm dò tình hình ngăn chặn dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam sẽ như thế nào? Hơn nữa, những nhà đầu tư còn đang chờ đợi chủ khách sạn có thể tiếp tục xuống giá không?”, ông Đính cho hay.
Cùng góc nhìn trên, các chuyên gia cho rằng, sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới. Chính vì biến số này mà bên mua và bên bán đều có sự thận trọng cân nhắc, bên bán vẫn giữ nguyên giá trị của khách sạn như trước khi dịch bệnh. Trên thực tế bên bán lẫn bên mua vẫn có thái độ tiếp tục chờ đợi diễn biến mới của dịch bệnh hơn là đưa ra quyết định ngay lúc này.
Anh Nguyễn Văn Hùng cho hay, trong các liên hệ mua khách sạn, một nguyên nhân cơ bản là các nhà đầu tư chưa sẵn sàng xuống tiền khi dịch bệnh còn đang chưa được kiểm soát. Hơn nữa, giá các khách sạn rao bán vẫn cao quá so với phương án kinh doanh, vì khi đầu tư xong, nhà đầu tư phải chấp nhận "bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ".
Nhận định về thị trường khách sạn trong thời gian tới, ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Hotel châu Á-Thái Bình Dương cho hay, hiện tại và trong các tháng tới đây sẽ không có quá nhiều các dự án bán tháo, bán lỗ như tin đồn. Đối với các dự án khách sạn chất lượng 4-5 sao không có hiện tượng bán lỗ, mà những dự án này do ảnh hưởng bởi dịch nên có thể sẽ đưa ra mức giá phù hợp hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Do tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, cộng thêm tâm lý chờ đợi các chủ khách sạn giảm giá tiếp, nên nhiều nhà đầu tư vẫn chưa xuống tiền (Ảnh: TL)