Bất động sản

Bất động sản công nghiệp: Nếu không nhanh sẽ mất cơ hội đón ‘đại bàng’

Để hoàn thành được thủ tục đầu tư bất động sản công nghiệp phải mất thời gian từ 3-4 năm, nếu không nhanh thì Việt Nam sẽ mất cơ hội để đón “đại bàng” - những tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn.

Thiên Lộc – Sông Công và những lợi thế “đắt giá” / Nghị định 91/2020/NĐ-CP: 'Thuốc đặc trị' cho cuộc gọi 'rác' chào mua nhà, đất

Nếu các thủ tục đầu tư triển khai không khẩn trương, Việt Nam sẽ mất cơ hội đón "đại bàng".

Nếu các thủ tục đầu tư triển khai không khẩn trương, Việt Nam sẽ mất cơ hội đón "đại bàng".

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam mặc dù đang gặp thách thức, nhưng vẫn có nhiều cơ hội, bao gồm cơ hội ở thị trường BĐS công nghiệp, nhà ở và logistics. Đặc biệt, hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được triển khai và nhiều tập đoàn đa quốc gia đang muốn dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Làm gì để đón cơ hội lớn?

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thông tin, ngày 17/7 vừa qua, Jetro tổ chức buổi họp báo kết quả tuyển chọn lần thứ nhất 30 doanh nghiệp đăng ký nguyện vọng được dịch chuyển mở rộng sang các nước ASEAN. Có 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sang Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang rất được quan tâm.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ cho doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty sớm rời nhà máy tại Trung Quốc về Mỹ hoặc sang nước thứ ba. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những động thái tương tự…

 

Hoặc có nhiều dự báo về việc chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, như Tập đoàn LOGOS (Úc) có kế hoạch rót 350 triệu USD vào BĐS logistics.

Có thể nói, có một “làn sóng” các doanh nghiệp sản xuất đang rục rịch rời Trung Quốc để về nước hoặc sang các nước thứ 3. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam “dọn tổ đón đại bàng”.

Ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương cho rằng, để đón được “đại bàng” cần diện tích lớn, cần nhiều đất sạch, cần nhiều KCN, nhưng hiện nay quy mô của nhiều KCN còn nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Phương, để mở rộng diện tích của KCN hiện có, bổ sung KCN mới vào quy hoạch thì phải qua một hành trình thủ tục vòng đi vòng lại với 3 lần trình Thủ tướng, 4 lần lấy ý kiến các bộ, ngành. Chu trình này kéo dài tính bằng năm.

Từ góc độ của một chủ đầu tư của 12 KCN, ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban Bất động sản của Viglacera than thở, với chu trình thủ tục 3 vòng trình Thủ tướng, 4 lần qua các bộ thì nhanh nhất cũng là 2 năm. “Từ khi nhìn thấy cơ hội đến khi được phê duyệt đã mất 2 năm. Trong 2 năm đó, biết bao cơ hội có thể vuột mất?”, ông Chinh nói.

 

Theo ông Chinh, để sẵn sàng đón "đại bàng", để dòng đầu tư chảy tới và đọng lại, cần làm sao tích hợp các thủ tục nhằm giảm bớt chu trình “xin” các bộ, trình Thủ tướng. Thêm nữa, cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội đang tới.

“Liệu cơm gắp mắm”

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jll Việt Nam cho hay, Việt Nam cùng với Malaysia và Indonesia ở khu vực Đông Nam Á và Mexico ở châu Mỹ rất may mắn nằm trong xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của Mỹ. Tuy nhiên, khi dịch chuyển nhà máy có rất nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến những toan tính của các nhà đầu tư này và các ràng buộc khác như hệ thống cung ứng đang ở Trung Quốc, cộng thêm giai đoạn vừa rồi do Covid-19 nên việc sang thăm khảo sát gặp khó khăn.

Liên quan đến thủ tục đầu tư trung bình một dự án mất 3 năm, ông Quang cho rằng đó là thông tin lạc quan, còn thực tế có khi phải 4-5 năm! Các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng phải mất 2-3 năm. Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế là có, tuy nhiên gặp những rào cản từ luật, người thực thi luật và các văn bản dưới luật.

“Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 30 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển về nước này. Nếu Việt Nam không nhanh sẽ mất cơ hội như Thủ tướng đã nói "dọn tổ cho đại bàng" nhưng nếu không nhanh thì "đại bàng" sẽ bay mất”, ông Quang lưu ý.

 

Bên cạnh đó, quỹ đất cho phát triển KCN của Việt Nam cũng rất hạn hẹp. Nếu như muốn lấy đất mở rộng các KCN cũng gặp các rào cản. Đơn cử như có khu công nghiệp ở Bắc Ninh phải mất 10 năm mới hoàn thành thủ tục hạ tầng để cho thuê được.

Quỹ đất cho phát triển KCN đã hạn chế, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt lại càng hiếm hơn. Ở Việt Nam, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông còn thấp nên quỹ đất cho KCN còn hạn chế.

“Không nhất thiết phải chờ đợi những doanh nghiệp hàng đầu, hãy đón những doanh nghiệp phù hợp với mình. Nói tóm lại, hãy liệu cơm gắp mắm”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong phân khúc BĐS công nghiệp, tuy nhiên cũng nhìn thấy sự khó khăn của nhà đầu tư trong thủ tục đầu tư. Điều này khác hoàn toàn Ấn Độ, Indonesia... Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ mất cơ hội đón "đại bàng".

Chia sẻ kinh nghiệm để đón đầu tư, ông Phạm Minh Phương lưu ý các nhà đầu tư tranh thủ thời gian khi chờ đợi được phê duyệt, cần phối hợp với địa phương tiến hành các việc để bước vào xây dựng ngay sau khi dự án được phê duyệt. Đơn cử, như giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho việc xây dựng hạ tầng…

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm