Lãi suất cho vay giảm, người mua nhà vẫn thờ ơ?
Thiên Lộc – Sông Công và những lợi thế “đắt giá” / Mặt bằng bán lẻ Hà Nội: Khách thuê xoay xở chuyển đổi chiến lược kinh doanh
Mặc dù lãi suất cho vay giảm, nhưng người mua nhà vẫn không mặn mà (Ảnh: TL) |
Theo một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất cho vay chưa bao giờ giảm như thời điểm hiện tại. Nếu so với năm 2010 - 2011 có lãi suất cho vay lên tới hơn 20% thì lãi vay hiện nay như một “món quà”.
Lãi suất cho vay mua nhà giảm
Hiện tại, nhiều ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất ở kỳ hạn trên 6 tháng cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 7%, thấp nhất là 6%; với kỳ hạn dưới 6 tháng, thậm chí có nhà băng chỉ niêm yết ở mức 3,5-4,5%. Xu hướng này đã kéo lãi suất cho vay mua bất động sản ở nhiều ngân hàng hạ nhiệt.
Thời điểm này, lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng rất hấp dẫn, dao động từ 6,49 - 11,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính theo mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng, phổ biến từ 8,5 - 11,5%/năm.
Đơn cử như lãi suất cho vay mua nhà tháng 8/2020 tại VIB gói 6 tháng (thời gian ưu đãi) có lãi suất 8,5%/năm, 12 tháng là 10,1%/năm. Tại MSB, gói 6 tháng có lãi suất 6,59%/năm, 12 tháng là 8,0%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà tại TPBank giảm khá mạnh từ 10,5%/năm hồi tháng 3 xuống 9,5%/năm ở thời điểm hiện tại, với gói 3 tháng chỉ còn 6,9%/năm.
Vietcombank cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà khá hấp dẫn. Lãi suất ưu đãi kỳ hạn 36 tháng là 9,2%/năm, 24 tháng là 8,4%/năm và 12 tháng chỉ 7,7%/năm. Thời gian hoàn trả khoản vay lên đến 15 năm. Còn BIDV, lãi suất cho vay ở kỳ hạn 24 tháng là 8,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 7,8%/năm.
Khối ngân hàng nước ngoài cũng nhập cuộc giảm lãi suất. Shinhan Bank giảm từ 7,8%/năm xuống 6,9%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng; giảm từ 8,6%/năm xuống 7,7%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng và giảm từ 10,1%/năm xuống 8,99%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.
WooriBank cũng đưa ra mức lãi suất cho vay mua bất động sản ưu đãi 8%/năm cho 12 tháng. Ngân hàng Standard Chartered chương trình ưu đãi khá hấp dẫn như lãi suất cố định trong 36 tháng là 8,99%/năm, 24 tháng là 7,99%/năm và 12 tháng chỉ còn là 6,5%/năm, thấp nhất trong số các gói ưu đãi của các ngân hàng.
Trên thực tế, đây là thời điểm “vàng” cho người có nhu cầu ở thực vay vốn ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên, trước mức giảm lãi suất này, nhiều khách hàng và nhà đầu tư vẫn chưa mạnh dạn xuống tiền mua bất động sản.
Anh Nguyễn Hồng Hải (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, anh vừa mua nhà với ưu đãi 18 tháng chủ đầu tư hỗ trợ vay 0%. Sau 18 tháng, anh được vay gói lãi suất 7,5%/năm.
Cân nhắc hơn - thiệt
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, với thực trạng kinh tế ảm đạm như hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn còn “mắc kẹt” ở nhiều dự án bất động sản, tâm lý nhiều khách hàng khác vẫn lo ngại về tác động mạnh của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, nên sự e ngại xuống tiền vẫn lớn.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay bất động sản nhưng tâm lý của người mua đang trở nên thận trọng khi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Thực tế có những giai đoạn lãi suất khá cao nhưng nhà đầu tư vẫn vay tiền mua nhà đất vì thấy cơ hội tăng. Trong trường hợp này thì ngược lại, dù lãi suất có giảm, nhưng nhà đầu tư chưa vội hoặc chưa dám xuống tiền vì đang gặp khó về thu nhập, hoặc chưa thấy khả năng tăng giá”, ông Hiển phân tích.
Theo TS. Cấn Văn Lực, bất động sản là phân khúc đầu tư nhiều tiềm năng, vì là nhu cầu thực. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ là một trong các biện pháp kích cầu thông thường, vấn đề quan trọng là người dân có tiền để mua nhà ở không.
Nguyên nhân là bởi, trong khi thu nhập giảm, giá thuê nhà hiện cũng đang giảm, thì việc đầu tư bất động sản trong thời điểm này đối với nhiều khách hàng là không thật sự cần thiết. Chỉ người có nhu cầu thật hoặc những nhà đầu tư đang dư tiền mặt sẽ “chớp” thời cơ mua những sản phẩm mà nhà đầu tư cắt lỗ.
Trước đó, trong nhiều cuộc hội thảo về bất động sản, một số chuyên gia cũng đã đưa ra các góc nhìn khác nhau. Có chuyên gia cho rằng, nếu dùng đòn bẩy tài chính mà sản phẩm đó mang lại lợi nhuận, khi đã trừ đi số tiền trả lãi cho ngân hàng, thì nên sử dụng. Tuy nhiên, khoản vay chỉ nên từ 30-40% trong tổng số tiền đầu tư là hợp lý. Đầu tư bất động sản luôn có lời, giá bất động sản kể cả trong dịch, các chủ đầu tư cũng không giảm mà chỉ có tăng.
Ở một góc độ khác, một số chuyên gia lại khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản khả năng sẽ hồi phục chậm, đặc biệt bất động sản là khoản đầu tư trung và dài hạn, nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy tài chính.
Như vậy, việc dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà có nhu cầu ở thực trong thời điểm này vẫn là một cơ hội tốt, nhưng dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư thì nhà đầu tư nên cân nhắc hơn - thiệt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo