Bất động sản

Le lói điểm sáng thị trường bán lẻ thời Covid-19

Giữa ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 lên thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý I/2020, thị trường ghi nhận những điểm sáng đến từ ngành thương mại điện tử, kinh doanh mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi. Đây là đánh giá của Công ty TNHH CBRE Việt Nam mới đây trong báo cáo tổng quan thị trường bất động sản quý I/2020.

Dân chờ mua giá rẻ, nhà đầu tư “cắt lỗ” khiến bất động sản khó càng khó / VNREA kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Theo đánh giá của CBRE, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra rất phổ biến hơn.

Từ sau khi Chính phủ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các ngành hàng buộc phải đóng cửa ngoại trừ ngành hàng thiết yếu. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê không chịu được sức ép tiền thuê và dẫn đến việc trả mặt bằng trước thời hạn. Tình trạng trả mặt bằng và sang nhượng diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club… chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại.

Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù nhiều cửa hàng trong các trung tâm thương mại trả lại mặt bằng, nhưng vẫn có điểm sáng le lói từ các nhãn hàng bán trực tuyến (Ảnh minh họa: Internet)

Mặc dù nhiều cửa hàng trong các trung tâm thương mại trả lại mặt bằng, nhưng vẫn có điểm sáng le lói từ các nhãn hàng bán trực tuyến (Ảnh minh họa: Internet)

Mặc dù giãn cách xã hội đã được nới lỏng vào cuối tháng 4, nhưng phần lớn các ngành hàng vẫn chưa được phép đi vào kinh doanh như bình thường. Doanh thu dự kiến tháng 4 sẽ sụt giảm 90-100% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 60-70% so với tháng 3. Tình hình hiện tại buộc các chủ đầu tư phải tiếp tục những chính sách ưu đãi nhằm giảm gánh nặng chi phí cũng như tạo khoảng thời gian phục hồi cho khách thuê vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vào tháng 2, chủ đầu tư vẫn còn tâm lý dè chừng và chưa thực sự đưa ra một tín hiệu cụ thể nhằm hỗ trợ về giá cho khách thuê. Đến tháng 3, khi Chính phủ đưa ra quyết định đóng cửa các địa điểm vui chơi, ăn uống và giải trí, chủ đầu tư đã bắt đầu đưa ra các chính sách hỗ trợ dao động từ 10-30% chi phí thuê tùy vào lĩnh vực với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Sang tháng 4, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50-100% tiền thuê mặt bằng.

Đối với mặt bằng nhà phố, mức giảm còn tùy thuộc chủ nhà và ghi nhận thường rơi vào 20-30% nếu có giảm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã phải trở nên linh hoạt hơn trong điều khoản đặt cọc, thanh toán và tích cực hỗ trợ khách thuê dưới nhiều hình thức.

Về thị trường mặt bằng bán lẻ thời gian tới, bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam nhận định, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

 

"Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới”, bà Phương Mai nhận định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm