Bất động sản

Long An: Tiếp tục cảnh báo lừa mua bán nhà đất với hình thức lập vi bằng

DNVN - Liên tiếp các địa phương tại tỉnh Long An đã lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại.

"Ông lớn" địa ốc ồ ạt bung hàng, thị trường bất động sản kỳ vọng bùng nổ dịp cuối năm / Cảnh báo việc mạo danh thương hiệu doanh nghiệp bất động sản uy tín để lừa dối khách hàng

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mới đây, UBND xã Mỹ Hạnh Bắc (huyện Đức Hoà, Long An) phát đi cảnh báo tới người dân trước tình hình những giao dịch, mua bán bất động sản bằng hình thức lập vi bằng, giấy tay đang ngày càng phức tạp và khó lường.

UBND xã Mỹ Hạnh Bắc cảnh báo các tổ chức, cá nhân không nên tham gia mua bán nhà, đất với hình thức giấy tay, vi bằng góp vốn đầu tư vào các dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.

“Hiện nay chính quyền địa phương không giải quyết các thủ tục nhà đất thông qua hình thức vi bằng và giấy tay. Hậu quả của việc mua bán nhà đất với hình thức vi bằng, giấy tay cũng như góp vốn đầu tư vào các dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục gây hậu quả rất khó lường và có khả năng phát sinh các tranh chấp sau này”, UBND xã Mỹ Hạnh Bắc thông báo.

Bên cạnh đó, UBND xã Mỹ Hạnh Bắc còn cho biết, việc các cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trên địa bàn khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất ở là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định.

UBND xã Mỹ Hạnh Bắc cảnh báo người dân không nên mua bán nhà đất bằng hình thức lập vi bằng, không góp vốn đầu tư cho các dự án chưa hoàn thiện pháp lý. (Ảnh: VĐ)

UBND xã Mỹ Hạnh Bắc cảnh báo người dân không nên mua bán nhà đất bằng hình thức lập vi bằng, không góp vốn đầu tư cho các dự án chưa hoàn thiện pháp lý. (Ảnh: VĐ)

Không chỉ xã Mỹ Hạnh Bắc, UBND xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hoà, Long An) cũng đã thông báo đến toàn thể nhân dân không nên mua bán với hình thức lập vi bằng cũng như góp vốn đầu tư cho các dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Vì vi bằng chỉ là hình thức làm chứng chứ không phải hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo UBND xã Đức Hoà Hạ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng theo trình tư quy định pháp luật là công chứng hoặc chứng thực. Hậu quả của việc mua bán nhà đất bằng hình thức vi bằng và góp vốn với các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư gây hậu quả khó lường và có khả năng phát sinh tranh chấp sau này.

Một lãnh đạo UBND huyện Đức Hoà cho biết, thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi.

 

Theo vị này, với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay, để tăng sự tin tưởng, các đối tượng này nhờ văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Nhiều nạn nhân dở khóc dở cười khi dính vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép.

“Qua thực trạng mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng với hình thức giấy tay, vi bằng góp vốn đầu tư dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp luật, chính quyền huyện Đức Hoà thông tin đến người dân không thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức trên để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để tạo lòng tin, lừa đảo mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch. Bởi theo quy định, vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực theo quy định; vi bằng không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất.

Ngoài ra, việc lập vi bằng mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất; lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền là để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, chính quyền đại phương xin thông báo đến người dân được biết, nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán, chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng trên địa bàn”, vị này cho hay.

Vi bằng không có giá trị pháp lý, khách hàng sẽ chịu thiệt khi xảy ra tranh chấp

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Đức Hoà (tỉnh Long An) hiện đang có rất nhiều công trình xây dựng nhà ở liên kế đang được rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội bằng hình thức viết tay, vi bằng. Những môi giới bất động sản, cò đất sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng của mình dù đó không phải là một thuật ngữ pháp lý. Mục đích của họ là thuyết phục khách hàng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản. Dù vậy, rất nhiều người không hiểu rõ vẫn sập bẫy.

 

Đơn cử những công trình như: Khu nhà ở Đức Hoà Đông (thuộc xã Đức Hoà Đông, diện tích gần 1.000m2) do ông Nguyễn Quốc Khanh đứng tên là chủ sở hữu xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng thật chất lại được xây dựng nhiều khu nhà ở liên kế với diện tích nhỏ để bán cho người dân bằng hình thức vi bằng.

Hay Khu nhà phố Tràm Lạc (xã Mỹ Hạnh Bắc, diện tích gần 600m2) do ông Lê Minh Khương đứng tên chủ sở hữu, khu đất này được xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng lại xây dựng 59 căn nhà ở liên kế với diện tích nhỏ bán cho người dân bằng hình thức lập vi bằng.

Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp. (Ảnh: VĐ)

 

Tại khu nhà ở Xuyên Á (tại thửa đất 776 và 975 thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hoà) và khu nhà ở Đức Hoà Thượng (tại thửa đất số 1288, 1289, 1327, 1333,… thuộc xã Đức Hoà Thượng, huyện Đức Hoà) đều do ông Nguyễn Văn Tuấn (thường trú TP Hồ Chí Minh) đứng tên đang được xây dựng hơn 200 căn nhà ở liên kế để bán cho người dân bằng hình thức lập vi bằng, những căn nhà liên kế này vì có diện tích nhỏ, không đủ diện tích tách sổ nên khách hàng phải chịu đồng sở hữu với người khác.

Nói về tình trạng mua dự án chưa đủ pháp lý và giao dịch nhà đất bằng vi bằng ở Long An ngày càng phức tạp, Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Văn phòng Luật sư Long Cường - Chi nhánh Gò Vấp - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực và cho rằng tồn tại “vi bằng công chứng thừa phát lại”. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai lầm.

Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, pháp luật không ghi nhận vi bằng công chứng thừa phát lại, chỉ có vi bằng do thừa phát lại lập và văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận và đây là hai loại văn bản khác nhau.

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác, còn văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng.

 

Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

“Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được thừa phát lại lập vi bằng nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp”, Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng phân tích.

Văn Đức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm