Môi giới bất động sản cũng 'gẫy sóng' thị trường
Giải ngân vốn đầu tư công và câu chuyện "nút thắt" giải phóng mặt bằng / Công nghệ giúp doanh nghiệp bất động sản vượt khó
Không chỉ khách hàng, nhiềumôi giới cũng rơi vào "bẫy" mà giới đầu cơ sắp đặt(Ảnh minh họa) |
Khi xuất hiện “làn sóng” đầu tư bất động sản, không chỉ nhà đầu tư mà cả các nhân viên môi giới cũng tranh thủ khi có cơ hội. Tuy nhiên, may mắn không phải “mỉm cười” với tất cả mọi người.
Hậu quả “tham thì thâm”
Là người trực tiếp bán sản phẩm, môi giới bất động sản có lợi thế trong việc nắm rõ sản phẩm và hiểu thị trường hơn những nhà đầu tư tay ngang. Họ tham gia vào thị trường với vai trò đầu tư khi nhận thấy có cơ hội. Lợi thế là họ có thông tin, nắm bắt được tính pháp lý của dự án, đánh giá được nhu cầu của người mua - bán…, nhưng không ít môi giới lao đao trong các phi vụ đầu tư.
Hồi cuối tháng 3/2020, có thông tin một tập đoàn lớn đề xuất đầu tư khu đô thị tại địa bàn xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngay lập tức, giá đất ở đây tăng chóng mặt, trong ngõ sâutừ mức 3-4 triệu đồng/m2 lên 9-10 triệu đồng/m2, mặt ngõ to từ 4-5 triệu đồng/m2 lên 12-16 triệu đồng/m2. Những lô đất có thể kinh doanh được, mức tăng thậm chí có thời điểm lên tới... 300% chỉ trong vòng một ngày, từ 7 triệu đồng/m2 lên 19-20 triệu đồng/m2.
Là môi giới gắn với thị trường đất Hòa Lạc được 3 năm, anh Nguyễn Quốc Tuấn, cũng tham gia vào "đợt sóng" này với vai trò vừa môi giới vừa đầu tư. Tự tin tính toán thành công với các "cơn sốt" đất từ nhiều năm trước tại Đông Anh (Hà Nội) và Vân Đồn (Quảng Ninh), anh không ngờ lần "đưa chân" này không thể rút ra được, vì "cơn sốt" chỉ vỏn vẹn trong một tuần rồi “tắt ngóm”.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Phan Văn Hiệp đã từng có thâm niên 5 năm trong nghề môi giới tại TP.HCM cũng tham gia đầu tư đất tại một dự án ở Quy Nhơn (Bình Định) và Mũi Né (Bình Thuận). Đáng chú ý, 2 dự án này đều do công ty mà anh đầu quân phân phối.
Hồi cuối năm 2018, đầu năm 2019, dự án giao dịch khá sôi động, ra hàng nền nào là hết nền đó. Nhà đầu tư từ Hà Nội tới tấp đổ dồn vào xem đất, ký hợp đồng mua. Anh Hiệp cùng một vài người bạn thân tham gia đầu tư khi dự án chuẩn bị kết thúc ra hàng đợt 1, nhiều nhà đầu tư lập tức trả chênh lên tới hàng trăm triệu đồng/lô. Tuy nhiên, thấy thị trườngvẫn "nóng", anh và nhóm bạn quyết định giữ thêm mợt thời gian, chờ tăng giá thêm mới bán.
Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", vì hàng ra đợt 2 đúng vào thời điểm bất động sản nghỉ dưỡng bị mất uy tín khi một số chủ đầu tư tại Đà Nẵng và Khánh Hòa xù cam kết lợi nhuận, nên nhiều nhà đầu tư chần chừ "xuống tiền". Nhiều người nhanh chân rút ra được, còn anh Hiệp và nhóm bạn không kịp “thoát” hàng, đến nay dù quảng cáo khắp các diễn đàn vẫn không bán được.
Hết thời "lướt sóng"
Theo ông Hoàng Quốc Hưng, Giám đốc Công ty ACLand (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), việc các nhân viên môi giới vừa đầu tư vừa bán hàng không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đón được "sóng" thị trường, vì thị trường không thể chiều lòng mọi người.
Ông Hưng cho rằng, những nhân viên môi giới trong các câu chuyện trên chỉ xác định "đánh sóng ngắn", nhưng kịch bản thị trường lại diễn biến không như mong muốn, nên thất bại. Yếu tố bất ngờ, khó lường của thị trường chính là sự rủi ro mà nhà đầu tư phải chấp nhận.
“Dù thị trường có diễn biến thế nào thì tiềm lực tài chính mạnh để đi đường dài mới là cách thức đầu tư bền vững, không chỉ với môi giới mà với cả nhà đầu tư”, Công ty ACLandnhấn mạnh.
Tuy nhiên, sự việc như vậy đôi khi là do những nhóm “cò” đẩy thông tin để rút vốn ra khỏi dự án, hoặc đẩy hàng kiếm lời, và những môi giới chân chính bị rơi vào "bẫy" của nhóm “cò”, đầu cơ có chủ đích này.
Liên quan đến câu chuyện môi giới bất động sản “sa lầy” tại các dự án, rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trước đó đều nhìn nhận, đầu tư đất nền không dành cho "lướt sóng" kiếm lời, mà chỉ phù hợp với những nhà đầu tư thật sự, đầu tư trung và dài hạn.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup từng khẳng định, đầu tư đất nền không bao giờ lỗ, nhưng nguyên tắc không được “lướt sóng”, đầu cơ kiếm lời, mà nhà đầu tư cũng như những môi giới muốn đầu tư cần nghiên cứu kỹ thị trường, không chạy theo đám đông.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trước khi đầu tư, khách hàng cần nhìn vào thực tế phát triển của dự án đó và các đô thị xung quanh, tránh như trường hợp đất Ba Vì, Mê Linh cách đây hơn chục năm.
“Trước khi xuống tiền, khách hàng cần nắm vững sự phát triển của địa phương đó, xu thế phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị. Nếu địa phương chưa có đầu tư mà giá rẻ thì cũng cần phải xem xét có phát triển thật không, hay dự án đó chỉ được "vẽ" trên giấy”, ông Đính nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo