Sốt đất khiến cơ hội mua nhà của người thu nhập thấp dần biến mất
Bình Dương: Nhu cầu tìm kiếm nhà đất tăng chóng mặt sau mỗi đợt dịch Covid-19 / Chi nhánh ngân hàng VDB liên quan đến sai phạm trong quản lý và sử dụng đất tại Bình Thuận
Cơ hội có nhà của người thu nhập thấp mất dần
Gần 10 năm sinh sống tại TP.HCM, vợ chồng chị Hoàng Thị Ánh Linh - đang làm việc tại công ty may mặc ở KCN Tân Bình cho biết, phải thuê nhà trọ, chấp nhận nay đây mai đó. Bởi với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, dù cố gắng tiết kiệm nhưng ước mơ mua một căn hộ chung cư nhỏ, gần nơi làm việc của chị Linh dường như ngày càng xa vời. Theo chị Linh, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM ngày một tăng, trong khi mức thu nhập của đa số người lao động không thể theo kịp.
“Sau nhiều năm tích góp và vay mượn người thân trong gia đình với tổng số tiền gần 900 triệu đồng, tôi cùng chồng hăm hở đi tìm nhà. Lấy nơi làm việc làm tâm, bán kính 7 km để tìm nhà nhưng "bó tay" vì dự án nào cũng hét hơn 37 triệu đồng/m2 trở lên, nhà thô. Nới rộng bán kính lên 10 km, giá giảm hơn chút nhưng để mua được căn hộ đã qua sử dụng khoảng 70 m2, tổng giá trị căn hộ cũng khoảng 2,8 tỉ đồng. Muốn mua, tôi phải vay ngân hàng từ 1,5 - gần 2 tỉ đồng. Với mức này thì hàng thôi tôi phải trả hơn 30 triệu đồng, thực sự không thể kham nổi. Việc mua căn hộ đã được xếp qua một bên và tôi tiếp tục ở trọ”, chị Ánh Linh chia sẻ.
Các cơn sốt đất lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng dày hơn.
Căn hộ thiết lập mặt bằng giá mới trong khi đó không dễ gì tìm mua được nhà ở xã hội. Với những người thu nhập thấp để hiện thực hóa giấc mơ an cư, họ cố gắng tìm mua đất cất nhà ở các huyện vùng ven. Tuy nhiên cơn sốt đất thời gian qua với những thông tin huyện nâng lên quận, thành phố đã khiến giấc mơ đó ngày càng xa vời.
Vợ chồng anh Phạm Thành Hưng, công nhân làm tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi) cho biết, vợ chồng anh quê Đồng Tháp, cũng dành dụm được chút tiền muốn tìm mua đất ở khu vực huyện Củ Chi. Tuy nhiên, thời gian qua tìm mãi vẫn khó mua. Đất dự án thì quá rủi ro vì sợ dự án ma. Trong khi đó, thời gian gần đây mặt bằng giá ở khu vực này bị đẩy lên khá cao sau khi có thông tin lên thành phố khiến người thu nhập thấp như vợ chồng anh càng khó tiếp cận.
“Ở trọ thời gian dài tôi cũng muốn mua đất xây nhà, tuy nhiên giá đất thời gian qua tăng cao liên tục. Lương vợ chồng công nhân chỉ đủ trang trải cuộc sống. Chúng tôi cũng tính vay ngân hàng để mua, nhưng giá đất hiện nay thì trả nợ không nổi. Xa quê đã lâu, nhưng nếu không an cư được, vợ chồng tôi tính chuyện trở về quê, vì gần nhà cũng có nhiều công ty, xí nghiệp rồi”, anh Hưng nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay. Điều này đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Triệt hạ đầu cơ đất bằng thuế?
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương" thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng "tâm lý đám đông - hám lợi", cài "chim mồi" giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội "đục nước béo cò", trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, "chống lưng" của cán bộ cơ sở.
Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng theo đám đông do thiếu vốn phải vay với lãi suất cao, lại không có đủ thông tin và kỹ năng, nên đã sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, "trắng tay". Nhiều khu đất trở thành hoang hóa. Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Giá đất tăng cao, nhà thu nhập thấp sẽ càng hiếm, điều này sẽ khiến cơ hội nhà ở của nhiều người ngày càng khó.
Đề ngăn chặn tình trạng sốt đất, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng" trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng "bong bóng".
Đồng thời, HoREA cũng đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. .
Hiệp hội cũng đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, với sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.
Bên cạnh đó, người chậm đưa đất vào sử dụng cũng cần phải đánh thuế cao. Hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo