Pháp luật

Bắt giam kẻ mượn xe ô tô rồi mang đi cầm cố

(DNVN) - Ngày 6/8, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Anh Đức (ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Chiều 1/8, anh Trần Ngọc Lân (ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội), giám đốc một công ty dịch vụ giao cho Đức chiếc xe ôtô hiệu Mecerdes E250 mang biển kiểm soát 29A - 485.80 để xuống Hải Phòng chở khách. Do Đức là nhân viên lái xe lâu năm của công ty nên anh Lân giao toàn bộ giấy tờ cho hắn để thuận tiện khi tham gia giao thông.

BẮT
Cơ quan điều tra đang bắt giữ Đức vì tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trưa ngày 3/8, sau khi xong việc ở Hải Phòng, thanh niên 34 tuổi này về Hà Nội và tiếp tục lái xe phục vụ một đám cưới. Do thua cá độ bóng đá và lô đề số tiền 590 triệu đồng nên Đức đánh xe đến một hiệu cầm đồ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cầm cố với giá 600 triệu đồng.

Hết ngày không thấy Đức mang xe về nên anh Lân gọi điện hỏi thì hắn bảo có việc gấp ở quê và hẹn sáng hôm sau lên. Chiều 4/8, vẫn không thấy lái xe về nên anh Lân đến cơ quan công an trình báo.

Ngay sau đó, Đức bị cơ quan công an triệu tập đến trụ sở làm việc. Tại đây, hắn thừa nhận toàn bộ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 140 Bộ Luật hình quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: 

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Anh Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo