Tin tức - Sự kiện

Bát nháo thực phẩm chức năng:

Các quy định về quản lý thực phẩm chức năng còn lỏng lẻo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn bất chính tung sản phẩm kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng
Hiện nay, thực phẩm chức năng được bán phổ biến tại các nhà thuốc, siêu thị, tiệm tạp hóa… không qua kê đơn nên người tiêu dùng tự ý mua. Theo quy định của Bộ Y tế, trên nhãn thực phẩm chức năng không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ loại bệnh nào và bắt buộc phải ghi dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Quy định thì như vậy nhưng thực tế việc sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng tồn tại nhiều vấn đề.
 

Quản lý lỏng lẻo

 

Một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm chức năng cho biết: Các quy định, tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chức năng không đòi hỏi nghiêm ngặt, thủ tục cấp phép đơn giản, dễ dàng. Nhà sản xuất chỉ cần nộp hồ sơ xin cấp phép tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, công bố chất lượng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Trong khi đó, nếu đăng ký sản xuất thuốc, đơn vị sản xuất phải có hồ sơ chặt chẽ, cơ quan cấp phép thẩm định khắt khe.



Vi phạm phổ biến là không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chưa được cơ quan y tế cho phép lưu hành nhưng doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh và quảng cáo phóng đại về công dụng của sản phẩm.

Các vi phạm về thực phẩm chức năng mà quản lý thị trường lập biên bản chỉ xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe

 

Với thực phẩm chức năng nhập khẩu hiện đang có sự không thống nhất trong việc cấp phép lưu hành. Nhiều trường hợp cùng một sản phẩm với cùng hàm lượng như nhau nhưng tại nước sở tại sản phẩm đó được đăng ký là thuốc; khi vào Việt Nam thì không được chấp nhận là thuốc mà là thực phẩm chức năng. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến sự nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng, một số đơn vị khi đăng ký là thực phẩm chức năng nhưng khi bán hàng lại nói đây là thuốc…

 

Việc quản lý lỏng lẻo khiến thị trường tràn lan sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm. Giữa năm 2011, Công an Kinh tế kết hợp với quản lý thị trường Hà Nội phát hiện tại một đơn vị xuất nhập khẩu có hơn 1.000 thùng thực phẩm chức năng với các nhãn mác như Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E của Mỹ nhưng được sản xuất tại Hải Dương.

 

Mới đây, trên thị trường xuất hiện thực phẩm chức năng hiệu Lishou (thuốc giảm cân) loại 40 viên/hộp có chứa hàm lượng sibutramine lên đến 8-10 mg/viên. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định đây là hàng giả, có hoạt chất độc hại và Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi từ tháng 4/2011. Sau gần một năm có lệnh thu hồi, trên thị trường vẫn tràn ngập loại thực phẩm chức năng này.

 

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cũng cho biết năm 2011 có phát hiện và xử lý một số trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng giả, nhập lậu. Bà Phan Thị Việt Thu, Tổng Thư ký, Phó Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, cho hay một số doanh nghiệp và dược sĩ phản ánh nhiều loại thuốc không đạt chất lượng đã được chuyển thành thực phẩm chức năng để dễ tiêu thụ và tránh bị cơ quan y tế kiểm soát.

 

“Hấp dẫn” từ siêu lợi nhuận

 

Theo một số bác sĩ am hiểu về lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, thị trường thực phẩm chức năng phức tạp còn do đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Hoa hồng chi cho bác sĩ kê toa, giới thiệu có thể lên đến 30% nên nhiều y, bác sĩ tích cực “quảng bá” thực phẩm chức năng. Một số bác sĩ còn tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng dưới nhiều hình thức khác nhau. Mới đây, trong một chương trình sức khỏe trên VTV, TS-BS L.T.T đã tự nhận mình đã sử dụng một loại sâm chống mãn dục nên “da dẻ hồng hào và đẹp hẳn ra”.

 

TS-BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia nam khoa, cho biết tại các nước Âu Mỹ, thực phẩm chức năng chủ yếu bán tại các siêu thị, được các nghệ sĩ quảng cáo trên truyền hình và sau phần quảng cáo sẽ có thông báo ghi rõ sản phẩm này chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận và không công nhận tác dụng chữa bệnh, không có nghiên cứu khoa học hoặc hội nghị khoa học chuyên ngành về thực phẩm chức năng và cũng không bao giờ thực phẩm chức năng được đăng trên báo chuyên ngành...

 

Ngược lại, tại Việt Nam, thực phẩm chức năng được bán chủ yếu trong hiệu thuốc tây, do các nhà khoa học (GS, PGS, TS, chủ tịch hội chuyên ngành, trưởng khoa bệnh viện) quảng cáo. Thực phẩm chức năng còn được báo cáo chính thức tại các hội nghị khoa học chuyên ngành và quảng cáo trên tất cả các báo, kể cả báo chuyên ngành y

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo