Bệnh da mùa hè: Phòng chống dày sừng ánh sáng
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Lê Hữu Doanh, Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Hà Nội, bệnh dày sừng ánh sáng hay xuất hiện vùng da đổi màu ở da mặt, da đầu, trán, tai, duỗi cẳng tay, mu tay… với những u, đốm nhô cao có màu đỏ - nâu, khô, tróc vảy và nhám xù xì.
Càng trắng trẻo, càng dễ mắc
Bề mặt da chỗ đó còn có nhiều vết nhăn nhỏ, rãnh nhỏ và các dấu hiệu tổn thương do ánh sáng mặt trời. Cũng có thể gặp ở những vùng tiếp xúc với nắng lặp đi lặp lại như lưng, ngực, chân và hội lưu thành dày sừng ánh sáng lớn ở một khu vực tương đối rộng.
Dạng biến thể có thể là màu nâu, hoặc sự tăng sừng quá mức, tạo ra một chất sừng nhô ra trên bề mặt da (như sừng hóa da).
Trong khoảng 2 năm bệnh có thể tiến triển thành ung thư tế bào vảy, biểu hiện lâm sàng là những nốt sần sùi, mảng tăng sừng đường kính vài centimét, có thể là mảng dẹt bao phủ bởi lớp sừng, hay gặp là mảng hồng ban tăng sừng (được bao phủ bởi lớp sừng) 3 -10mm và dần dần to ra, cao hơn, có thể tiến triển đến ung thư tế bào đáy và có nguy cơ ác tính.
Theo Bác sĩ Kim Thảo, Phòng khám Chăm sóc da (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh): Yếu tố mắc bệnh tiêu biểu là người có làn da sáng (làn da trắng), phổ biến từ 40 tuổi trở lên (tỉ lệ 40-60%). Ở nơi cường độ tia ánh sáng mặt trời chiếu quanh năm có thể gặp từ 10 – 30 tuổi.
Bệnh dày sừng ánh sáng gặp ở nam nhiều hơn nữ (do nam hay làm việc ngoài nắng, tiếp xúc với tia tử ngoại nhiều hơn) và cũng có liên quan với chế độ ăn giàu chất béo, hoạt động thể thao ngoài trời…
Bệnh dày sừng ánh sáng tiến triển theo 3 cách: Một là tự nó thoái hóa. Hai là không thay đổi và ba là sẽ tiến tới ung thư biểu mô tế bào vảy (tỷ lệ 0,1 - 10%) và đã có trường hợp tiến thành ung thư biểu mô tế bào đáy. Dày sừng do ánh sáng được coi là giai đoạn sớm nhất của sự phát triển ung thư da, có thể tiến triển thành ung thư tế bào gai và lan rộng, xâm lấn hoặc di căn.
Cần phát hiện và điều trị sớm
Dày sừng ánh sáng có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực. Theo Bác sĩ Kim Thảo, phổ biến là dùng nitơ lỏng làm đông cứng bề mặt da tổn thương, làm vùng da có bệnh bị bong ra, lớp da mới khỏe mạnh sẽ thay thế. Các phương pháp điều trị khu trú khác là áp lạnh nitơ, đốt laser CO2, đốt điện…
Hoặc dùng thuốc kháng ung thư bôi lên vùng da cần điều trị. Nhưng việc điều trị phải do bác sĩ da liễu khám và theo dõi. Các bác sĩ sẽ cho sinh thiết da để chẩn đoán xác định, loại bỏ nguy cơ ung thư tế bào vảy và các sang thương khác (ví dụ như các tăng sừng, hồng ban, nốt). Sinh thiết cũng được chỉ định ở các sang thương tái phát và các trường hợp không đáp ứng điều trị.
Dày sừng ánh sáng điều trị gồm 2 nhóm chính: Phẫu thuật triệt để sang thương và điều trị nội khoa. Điều trị nội khoa có ưu điểm là điều trị được vùng da lớn có nhiều sang thương, nhưng mất thời gian dài và khó chịu. Dạng cream 5% hay dùng nhất, thoa 2 lần/ngày trong 1 tháng, quá trình điều trị sẽ khó chịu, có thể hình thành các loét đỏ và tạo vẩy, sau 2 tuần sẽ lành.
Phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn dày sừng ánh sáng mà ít gây thương tổn cho mô xung quanh nhất. Liệu pháp quang động cho kết quả tốt hơn, nhưng làm người bệnh đau, vùng sang thương điều trị có thể đỏ và tạo vẩy. Ngoài ra còn có cắt lạnh, nạo hoặc cắt bỏ và một phần mô, nặng hơn sẽ được sinh thiết làm giải phẫu bệnh để loại trừ nguy cơ ung thư.
Tất cả các phương pháp đều lấy đi lớp thượng bì (có thể cả một phần lớp bì) và có thể để lại sẹo.
Theo các bác sĩ, nên phòng ngừa bắt đầu từ tuổi nhỏ. Những tác hại của ánh sáng mặt trời trên các vùng da không được che kín làm cho chúng có nguy cơ bị bệnh dày sừng và ung thư da về sau này. Hạn chế các hoạt động vui chơi ngoài trời. Nếu bắt buộc phải làm việc ngoài trời thường xuyên cần điều chỉnh chế độ làm việc, dùng chất bảo vệ da có SPF có chỉ số chống nắng từ 30 trở lên.
Nếu theo dõi và điều trị liên tục thì các sang thương của bệnh dày sừng với ánh nắng có thể kiểm soát tốt, ngăn ngừa khả năng phát triển thành ung thư tế bào vảy xâm lấn. Nhưng trên hết mọi người không nên tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, nhất là từ 10 – 16h giờ vì đó là thời điểm nhiều ánh nắng nhất.
Đề phòng bệnh dày sừng da, bạn nên: Khi ra ngoài trời nắng, cần đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài, thoa các chất chống nắng phổ rộng có khả năng bảo vệ da chống lại cả tia cực tím UVA và UVB (nên dùng chất chống nắng theo phổ có chất chống tia UVA), có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên và thoa trước khi ra ngoài ít nhất 15 - 30 phút. Sau 1,5 giờ ngoài nắng nên thoa thêm (thoa cả khi trời có mây). |
Theo GĐ&XH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo