Bệnh tay chân miệng “nóng” trên cả nước
Tay chân miệng “tấn công” ra miền Bắc
Trái ngược với năm 2011, dịch tay chân miệng nóng bỏng ở khu vực phía Nam, năm nay, vi rút tay chân miệng lại “tấn công” ra miền Bắc. Trong tổng số ca mắc tay chân miệng, miền Bắc đã chiếm gần một nửa nhưng không có ca tử vong nào. Còn tại miền Nam, “điểm nóng” tay chân miệng năm 2011 thì số ca ghi nhận thấp hơn nhưng số ca tử vong chiếm tới 23/27 trường hợp.
Ở khu vực miền Bắc, Hải Phòng đứng đầu danh sách số ca mắc cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2012 với gần 4.000 trường hợp, tiếp đến là Hòa Bình, Yên Bái …
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng gia tăng liên tục từ đầu năm đến nay và so với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tay chân miệng tăng 10,2 lần, tử vong tăng 1,7 lần (với số mắc trung bình hàng tháng là 9.255 trường hợp mắc; 5 trường hợp tử vong)
Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng, đó là số mắc năm 2012 đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, tháng 1 là 43 nghìn ca mắc thì tháng 5 chỉ còn hơn 6.500 trường hợp.
Tại buổi Giao ban trực tuyến về phòng chống dịch tay chân miệng diễn ra sáng nay (25/5) tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Từ năm 2011 đến nay, dịch tay chân miệng có những diễn biến hết sức phức tạp kể cả trên thế giới và Việt Nam. Mặc dù thời gian gần đây dịch đã có xu hướng chững lại nhưng theo các chuyên gia dịch tễ thì dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trên diện rộng”.
Vì tính chất phức tạp của dịch bệnh (2011, cao điểm dịch là tháng 9, nhưng năm nay, cao điểm dịch đã từ tháng 4, tháng 5), đến nay các chuyên gia vẫn chưa xác định được quy luật xảy ra của dịch.
Đáng lo ngại hơn, hiện đang có sự gia tăng đáng kể các chủng gây bệnh, tỷ lệ chủng EV71 chiếm khoảng 80-90% (năm trước chỉ khoảng 20%) và 27 ca tử vong do tay chân miệng trong năm nay đều do vi rút này gây ra.
Chống dịch trên… giấy
Tại buổi giao ban trực tuyến sáng nay, nhiều đại biểu cho rằng, công tác chống dịch còn rất nhiều bất cập. Dịch tăng không chỉ do nguyên nhân nhận thức của người dân về bệnh này vẫn còn hạn chế mà ở nhiều địa phương vẫn triển khai chống dịch trên giấy là chủ yếu. Cụ thể, việc tuyên truyền, chống dịch chỉ rầm rộ ở cấp tỉnh còn không triển khai ở cơ sở.
Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: “Địa phương nào đẩy mạnh truyền thông, rửa tay bằng xà phòng thì tỷ lệ mắc giảm. Trong tháng 4, việc phát động tuyên truyền phòng dịch bằng rửa tay xà phòng làm mạnh thì tỉ lệ tử vong đã giảm xuống, trong tháng với gần 15 nghìn ca mắc mà chỉ 3 trường hợp tử vong. Trong khi những tháng trước đó, số ca tử vong thường là 6 - 7 ca”.
Tại hội nghị, báo cáo về số tử vong theo tuyến điều trị cho thấy, tỷ lệ tử vong được ghi nhận tại bệnh viện tuyến tỉnh cao nhất (chiếm gần 60%); tử vong tại bệnh viện tuyến trung ương chiếm khoảng 40%.
Về điều trị, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, phương pháp điều trị lọc máu liên tục đối với các bệnh nhân nặng rất hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong và hiện các bạn bè quốc tế cũng đang học tập kinh nghiệm điều trị tay chân miệng bằng lọc máu liên tục của Việt Nam.
Tại truyến Trung ương, chủ yếu tiếp nhận các trường hợp rất nặng. Theo Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca phải vào viện Nhi điều trị hầu hết các độ 2A trở lên (với khoảng 991 ca, đa phần ở Hà Nội), trong đó, có 22 trường hợp lọc máu tại khoa hồi sức cấp cứu, 11 dương tính EV.
“Đang xảy ra tranh luận nên chỉ định lọc máu sớm hay muộn cho bệnh nhân tay chân miệng nặng. Nhưng thực tế điều trị cho thấy, nếu được lọc máu sớm bệnh nhi sẽ ổn định tuần hoàn sớm, huyết áp ổn định, qua đó giảm biến chứng trong bệnh tay chân miệng. Tuần hoàn lọc máu tốt sẽ giảm bớt tỷ lệ tử vong”, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ Y tế tập trung quyết liệt giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Bộ Y tế đề nghị UBND các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch, triển khai quyết liệt chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh tay chân miệng; tăng cường đầu tư trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch.
Lãnh đạo ngành y tế các địa phương chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra cần nâng cao năng lực điều trị hồi sức cấp cứu nhi tại các Bệnh viện Nhi trên toàn quốc, bổ sung, hoàn thiện trang thiết bị cho các đơn nguyên điều trị.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 nhanh chóng hoàn tất cẩm nang điều trị bệnh chi tiết hơn để làm tài liệu tập huấn cho tuyến dưới.
Theo DT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024