Bệnh viện ăn cắp giờ công
“Bánh mì kẹp thịt” là cụm từ mà giới bác sĩ phẫu thuật ở TP.HCM, đặc biệt là bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, thường dùng. Cụm từ đó ám chỉ hình thức các bác sĩ, bệnh viện nhà nước dùng phòng mổ chương trình để “nhét” bệnh nhân mổ dịch vụ ngay trong giờ hành chính.
Mổ “cờ tờ” và mổ “y cờ”
“Bánh mì” ở đây là nói về bệnh nhânBN mổ chương trình (mổ theo lịch sắp xếp của khoa, người bệnh tốn ít tiền, bác sĩ cũng nhận được ít tiền); còn phần “thịt” ngon hơn là nói về bệnh nhân mổ dịch vụ (bác sĩ mổ dịch vụ sẽ nhận được nhiều tiền so với mổ chương trình).
Ở một số bệnh viện, bác sĩ cũng thường dùng “biệt hiệu” mổ “cờ tờ” và mổ “y cờ” (ý nói mổ chương trình - CTvà mổ yêu cầu - YC). “Mổ CT”, “mổ YC”, mổ ngoài giờ, hay “bánh mì kẹp thịt”... đều là những biến tướng trong phẫu thuật ở hệ thống bệnh viện công lập.
Trong những năm gần đây, khi mà ngày càng có nhiều bác sĩ “chạy đua” về thu nhập thì bệnh nhân là người bị thiệt thòi. Thực trạng này đã đến lúc báo động, bởi vì nó có thể biến các bệnh viện công thành nơi chuyên mổ dịch vụ không khác gì là một dạng bệnh viện tư.
Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ở phía nam về lĩnh vực cột sống, chỉnh hình..., nơi đây luôn tập trung đông đúc người bệnh. Lâu nay, bệnh nhân và một số y, bác sĩ than phiền về việc nhiều bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện này tận dụng thời gian, cơ sở vật chất của nhà nước để làm dịch vụ quá nhiều, khiến giới bác sĩ ngày càng thờ ơ với bệnh nhân ít tiền, mổ chương trình.
Có những người bệnh gia cảnh không mấy khá giả, thậm chí là người nghèo, người có thẻ bảo hiểm y tế, người có công cũng bị “hướng” sang mổ dịch vụ. Qua quá trình tìm hiểu, thu thập số liệu bệnh nhân phẫu thuật điều trị tại bệnh viện này hơn nửa năm qua (từ tháng 5.2011 đến tháng 1.2012 vừa qua), chúng tôi phát hiện bác sĩ của bệnh viện công lập này phần lớn dành thời gian làm việc để mổ dịch vụ là chính. Bác sĩ ở đây thường xuyên áp dụng chiêu thức “bánh mì kẹp thịt”, ăn cắp giờ công để làm dịch vụ, nhằm hưởng lợi cho riêng mình quá nhiều!
“Mổ chương trình phải đợi, còn dịch vụ mổ ngay, về sớm”
Lượng bệnh nhân mổ dịch vụ hằng ngày tại bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình luôn chiếm hơn gấp đôi đến gấp ba lần lượng bệnh nhân mổ chương trình. Theo số liệu chúng tôi thu thập được, bình quân mỗi ngày số bệnh nhân mổ chương trình ở bệnh viện này trên dưới 30 ca, nhưng lượng mổ dịch vụ luôn hơn 50, 60 đến 70, 80 ca.
Một bác sĩ của bệnh viện cho chúng tôi biết: “Lượng mổ dịch vụ ở đây luôn rất lớn, những ngày cao điểm lên đến 80 ca là chuyện bình thường. Giải thích ra bên ngoài mổ dịch vụ là làm ngoài giờ hành chính, nhưng thực tế thì không phải vậy, bác sĩ mổ dịch vụ cả trong giờ hành chính”.
Còn một nhân viên khác của bệnh viện thì nói thẳng: “Cả các bác sĩ trưởng, phó các khoa phòng, thậm chí là lãnh đạo bệnh viện cũng... tham gia mổ diịch vụ trong giờ hành chính!”.
Vì lợi ích cá nhân, bác sĩ và bệnh viện đã hướng bệnh nhân sang mổ dịch vụ. Nghe bác sĩ hỏi “mổ chương trình thì phải chờ đợi, còn mổ dịch vụ thì mổ ngay, về sớm, chọn loại nào?”, thì bệnh nhân cũng phải suy nghĩ. Vì "gợi ý đó" mà nhiều người bệnh, dù gia cảnh khó khăn cũng cố vay mượn đóng cho đủ tiền để được mổ dịch vụ. Đó là chưa nói, có bác sĩ còn “dọa” thêm: “Bệnh này để lâu thì sẽ nguy hiểm hơn”. Bệnh nhân nghe xong càng sợ, càng lo đăng ký mổ dịch vụ gấp.
Thực tế không hiếm những bệnh nhân ở tỉnh, thuộc diện nghèo, hoặc không mấy khá giả cũng ráng lo chạy tiền để mổ dịch vụ cho nhanh. “Thậm chí có bệnh nhân nghèo, sau khi mổ dịch vụ phải xin cơm từ thiện để qua ngày”, một nhân viên của bệnh viện nói. Điều đáng nói là chính vì thờ ơ với người bệnh mổ chương trình, nên đến khoảng 2-3 giờ chiều là bác sĩ không muốn mổ chương trình nữa. Từ thời điểm này kéo dài đến 21 - 22 giờ đêm là bác sĩ dành hết "tâm huyết" cho việc mổ dịch vụ kiếm tiền.
Thế nhưng, trả lời với PV Thanh Niên về vấn đề mổ chương trình, mổ dịch vụ, bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, khẳng định: “Số lượng bệnh nhân mổ dịch vụ tại bệnh viện mỗi ngày chỉ 40 - 45 ca (?)”. Và theo ông thì mổ dịch vụ là để cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên của bệnh viện, trong đó chủ yếu là giúp điều dưỡng có thêm thu nhập (?).
Giúp điều dưỡng, hay tạo điều kiện để BS phẫu thuật viên ăn cắp giờ công (đã được trả lương), dùng cơ sở vật chất của bệnh viện công để làm lợi riêng, hưởng tiền mổ dịch vụ cao chót vót hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng? Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phần tiếp theo của loạt bài điều tra này trên các số báo tới.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất