Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phát hành thẻ hiến tạng
Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vừa phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên trong cả nước, mở rộng nguồn cho tạng đến hơn chục ngàn người đang chờ ghép tạng.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hành thẻ hiến tạng đầu tiên từ ngày 28-10, tính đến ngày 6-11 đã phát hành 114 thẻ hiến tạng.
Thẻ hiến tạng đầu tiên đã trao cho PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người thứ hai là tôi và người thứ ba là TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối.
"Ngoài ra, trong những ngày qua nhiều người dân đã tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký thẻ hiến tạng, trong đó người trẻ nhất mới có 25 tuổi. Nhiều người dân cho biết họ đã có mong muốn được hiến tạng từ lâu nhưng nay mới có địa chỉ đến đăng ký. Chúng tôi trân trọng, cảm tạ về ý thức cộng đồng và nghĩa cử cao đẹp này” - GS.TS Trần Ngọc Sinh.
* Thưa giáo sư, vậy việc phát hành thẻ hiến tạng có ý nghĩa như thế nào với những người bệnh đang chờ được ghép tạng?
- Đầu tiên phải khẳng định việc phát hành thẻ hiến tạng là làm theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ban hành từ năm 2007. Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu tiên trong cả nước phát hành thẻ hiến tạng.
Hiện Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị phát hành thẻ hiến tạng trên toàn quốc thông qua Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thuộc Bộ Y tế đã thành lập cách đây một năm.
Ở các nước Đông Nam Á có chương trình ghép tạng từ mấy chục năm nay như Singapore, Malaysia, người ta đã phát hành thẻ này từ lâu.
Còn ở các nước phát triển trên thế giới, chuyện hiến một phần cơ thể mình để cứu giúp người khác đã trở thành hành động thường quy trong đời sống hằng ngày của người dân.
Một người sống chỉ cho được một quả thận hoặc một phần gan... Ở người đã bị chết não hay ngưng tim (những trường hợp tử vong do tai nạn hay tai biến mạch máu não), nếu có sự đồng ý trước có thể cho được ít nhất bảy người bệnh với thận, tim, gan, phổi, tụy của mình.
Quyết định phát hành thẻ hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm tăng cường ý thức của cộng đồng đối với những người đang chờ được ghép tạng. Đồng thời, việc phát hành thẻ hiến tạng cũng tìm và mở rộng nguồn cho tạng từ những người bị chết não hoặc đã ngưng tim, ngưng tuần hoàn.
Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận từ người cho thận còn sống hoặc đã chết não. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị sẵn sàng cho ca ghép thận với nguồn cho từ người đã bị ngưng tim. Đây sẽ là ca ghép thận đầu tiên trên cả nước từ người cho đã bị ngưng tim.
Vừa qua, báo Tuổi Trẻ cũng nêu ra câu chuyện thực tế rất nhiều người bị thiếu nguồn tạng nên dẫn tới chuyện buôn bán tạng phủ. Điều này khó dập tắt được nếu không có nguồn hiến tạng để thực hiện ghép tạng.
* Có phải ai có thẻ hiến tạng cũng sẽ hiến được tạng?
- Người có thẻ hiến tạng chỉ hiến tạng trong trường hợp gặp tai nạn do rủi ro, não đã chết và không còn cơ hội hồi phục, hoặc tim và tuần hoàn đã ngừng.
Lúc đó, đơn vị điều phối sẽ gọi điện cho người nhà bệnh nhân, khi được sự đồng ý của người nhà bệnh nhân, đơn vị điều phối sẽ trình lên hội đồng ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy để có quyết định cuối cùng và chọn người nhận tạng phù hợp nhất. Sau đó kíp mổ sẽ lấy tạng và ghép.
Khi người hiến tạng điều trị tại một cơ sở khác ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế đó sẽ thông báo cho đơn vị điều phối để có thể đưa êkíp xuống cơ sở y tế đó lấy tạng. Người hiến tạng cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn như không mắc bệnh truyền nhiễm, tạng còn tốt, ở trong độ tuổi 18-60 tuổi (theo luật).
Hội đồng ghép tạng của bệnh viện sẽ xem xét tạng đó cho ai thông qua những tiêu chuẩn y khoa được công khai từ trước. Tạng đó sẽ được hiến hoàn toàn nhân đạo, người hiến không biết người nhận để đảm bảo tính khách quan, trong sạch. Đơn vị điều phối vừa tiếp nhận những người đăng ký hiến tạng vừa tiếp nhận những người đăng ký chờ ghép.
* Nguồn cho thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong những năm qua chủ yếu từ những người cho còn sống? Việc này có những hạn chế gì?
- Tính từ năm 1992 khi Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ca ghép thận đầu tiên, đến nay bệnh viện đã ghép được gần 400 ca nhưng chủ yếu nguồn cho thận từ người cho còn sống, trên 95% là người trong gia đình. Khi chưa có đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì bệnh viện không nhận ghép cho những người cho còn khỏe mạnh, không cùng huyết thống.
Lý do là có đến 99% những người không cùng huyết thống, không phải người trong gia đình, đến Bệnh viện Chợ Rẫy xin hiến tạng có liên quan đến buôn bán.
Tại Việt Nam, từ năm 2008 Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là bệnh viện đầu tiên trong nước thực hiện ghép thận từ người cho bị chết não. Dù hằng ngày có nhiều người hoặc do tai nạn hoặc do bệnh tử vong, nhưng có thể chưa biết về việc hiến tạng này nên đến nay mới chỉ có bảy trường hợp người chết não hiến thận. Số người có tấm lòng nhân đạo này thật sự vĩ đại và đã cứu 13 người.
Đăng ký hiến tạng ở đâu?
Có hai cách:Một là đăng ký qua email theo địa chỉ dieuphoigheptangbvcr@gmail.com, sau đó đơn vị sẽ gửi mẫu đơn xin hiến tạng đến để người hiến tạng điền vào. Sau khi làm đầy đủ thủ tục, đơn vị sẽ in thẻ hiến tạng và gửi chuyển phát nhanh đến địa chỉ của người hiến tạng.Hai là người hiến tạng đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy để được đăng ký và nhận ngay thẻ hiến tạng, liên hệ số điện thoại 08.39560139, hoặc số điện thoại nóng 24/24 giờ: TS Dư Thị Ngọc Thu, ĐT: 0913677016.
Theo Tuổi trẻ Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo