Bí ẩn lăng mộ đá nằm giữa Bán đảo Linh Đàm
Giữa đêm mùa đông giá rét của hơn 20 năm trước, những bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện như những bóng ma đột nhập vào khu mộ cổ. Tiếng xà beng, tiếng búa chim bổ liên hồi vào lợp hớp chất rắn chắc. Một lỗ rộng chừng 10 phân trên nắp quan tài đã bị chỏng thủng. Đúng vị trí đó trên ngực người quá cố là 1 viên ngọc màu xanh quý giá...
Kỳ 1:Vụ nổ mìn táo tợn giữa đêm khuya hé mở lai lịch hoàng gia của ngôi mộ cổ
Mộ cổ trên đất địa linh
Hỏi đường vào khu mộ đá, người dân địa phương đều nhiệt tình chỉ dẫn nhưng cũng có nhiều người nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét. Nằm giữa những ngôi mộ mới trong khu nghĩa trang làng Linh Đường (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội), cách đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chưa đầy 1 km về phía Đông, ngôi mộ cổ hiện lên sừng sững, uy nghi. “Ngôi nhà” vĩnh hằng của tiền nhân được làm từ những phiến đá vuông vức tạo thành một lăng đá đồ sộ có bình đồ hình chữ nhật.
Đặc biệt, trên đỉnh lăng đá là một viên đá hình chóp được chạm khắc tinh xảo tạo dáng như một búp sen. Ông Tạ Văn Dung (80 tuổi, người làng Linh Đường) nhớ lại: “Từ ngày tôi còn nhỏ đã thấy ngôi mộ đá nằm sừng sững trên gò đất cao cách mép hồ chừng 20m. Ngày đó, dân cư ở đây còn thưa thớt, xung quanh ngôi mộ đá còn trống trải chứ không phải có nhiều mộ của dân như bây giờ”.
Cũng theo lời các lão niên làng Linh Đường, ngôi mộ cổ đã tồn tại ở đó hàng trăm năm, trải bao mưa gió nắng mưa. Chỉ có điều, sau bao biến thiên thăng trầm của thời cuộc “bãi bể nương dâu”, không còn một ai trong làng nhớ gì về lai lịch của ngôi mộ. Người ta chỉ đơn thuần gọi đó là lăng đá. Dựa vào sự bề thế của ngôi mộ thì chắc chắn đó phải là một quý tộc đức cao vọng trọng thời xưa. Nhưng đó là ai, dòng họ nào thì không ai biết. Ngôi mộ trở thành vô danh đúng nghĩa.
Đến đây cũng nên nói qua về vùng đất Linh Đường - nơi có ngôi mộ cổ. Trong con mắt của cả những nhà nghiên cứu lịch sử lẫn những chuyên gia phong thủy thì làng Linh Đường (trước đây là xã Linh Đàm, huyện Thanh Trì nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) sở hữu một vị trí đắc địa. Làng như một hòn đảo nổi lên giữa một vùng hồ đầm rộng tới gần 100 hecta. Cái thế đất mà sử gia Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” gọi là: “Kiểu đất mở ra như tấm gương hình như mày ngài”.
Linh Đường có nghĩa là “hồ nước có cỏ linh chi” - một loại cỏ quý dùng làm thuốc. Còn Linh Đàm có nghĩa là đầm cỏ thơm. Dưới thời Trần, người ta gọi vùng đầm nước rộng lớn này là Long Đàm, nghĩa là đầm rồng. Dân gian còn gọi là Liên Đàm, nghĩa là đầm sen, bởi trước đây đầm có rất nhiều hoa sen. Đến mùa sen, hương hoa thơm ngát cả một vùng. Sử triều Nguyễn gọi là Nguyệt Kính Hồ (hồ hình vầng trăng khuyết). Không chỉ nổi tiếng về hình dáng đẹp mà sắc nước của hồ cũng vô cùng trong xanh.
Đây còn là một vùng đất tụ cư rất sớm của người Việt trong quá trình khai phá vùng châu thổ Sông Hồng, PGS.TS Bùi Xuân Đính nhận định: “Từ xa xưa đầm Linh Đàm giữ vai trò là trung tâm liên kết các làng xã xung quanh hồ thông qua những hình thức thờ phụng và lễ hội. Khối tâm linh đó là vị Thần của đầm, tương truyền là học trò của Chu Văn An có công giúp dân chống hạn, cứu mùa màng, được huyền thoại hóa là con vua Thủy Tề đã làm mưa cho 5 xã 7 thôn, được cả vùng thờ làm Thành hoàng”.
Cũng chính cái địa thế linh thiêng ấy đã sản sinh ra nhiều dòng họ danh giá. Mà đáng kể nhất là dòng họ Nguyễn, trong đó có cụ Nguyễn Đình Tư, đỗ Giải nguyên thời chúa Trịnh Giang, làm Tư giảng cho cả vua Lê Ý Tông và chúa Trịnh Doanh. Nguyễn Đình Tư uyên thâm Nho học, là bạn của nhiều danh sĩ đương thời. Được mời vào phủ chúa giảng sách cho các ấu chúa, ông đã để lại ảnh hưởng không nhỏ tới chúa Trịnh Doanh, người có công ổn định đất nước trong một thời gian dài. Người đương thời ca ngợi: “Kẻ áo vải mà làm nên bậc thầy của cả vua lẫn chúa, xưa nay hiếm có”.
Cả 3 người con trai của cụ Nguyễn Đình Tư đều được phong Quận công, 3 người con gái đều làm Vương phi trong phủ chúa Trịnh, trong đó đặc biệt là bà Quốc Thánh mẫu Nguyễn Thị Hoa Dung (Nguyễn Thị Khương) vợ chúa Trịnh Doanh, mẹ chúa Trịnh Sâm, bà nội của Trịnh Khải và Trịnh Cán. Không chỉ là bậc mẫu nghi có ảnh hưởng lớn tới vương triều Trịnh, bà còn nổi tiếng là người uyên bác, có tư duy chiến lược về xây dựng đất nước. Bởi thế, trong dân gian có câu ca: “Hồ Linh Đường hình vầng trăng khuyết/ Đất Linh Đường phát tích bà phi”.
Dưới thời Tây Sơn, đất Linh Đường còn liên quan đến một sự kiện lịch sử quan trọng. Đó chính là cái chết của hoàng đế Quang Trung - người anh hùng có sự nghiệp lẫy lừng nhưng lại sớm đoản mệnh. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái ghi về biểu báo tang (với triều đình nhà Thanh) của vua Quang Toản, rằng: “Vâng lời dặn lại của vua cha, sau khi chết không đưa di hài về quê hương mà chôn cất ở làng Linh Đường, phía ngoài kinh thành để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết”.
Tất cả những sử liệu trên khiến nhiều người đặt giả thiết: Liệu ngôi mộ cổ ở làng Linh Đường có liên quan gì đến dòng họ Nguyễn, đến bà chúa Nguyễn Thị Hoa Dung, đến đám tang của Quang Trung Nguyễn Huệ? Và biết đâu đấy, ngôi mộ đá nằm chơ vơ giữa đồng hoang kia lại chính là nơi chôn cất vị hoàng đế tài ba... Những câu hỏi, những huyền thoại và thông điệp từ một quá khứ thẳm sâu đã tạo nên thách thức cho hậu thế trong cuộc kiếm tìm, giải mã.
Vụ trộm mộ táo tợn
Bao tiết Thanh Minh đã trôi qua, ngôi mộ đá vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, yên bình và nguyên vẹn. Người dân làng Linh Đường vẫn hàng ngày đi làm đồng, cuốc đất, đánh cá ngay bên ngôi mộ cổ. Đâu đó cũng có những lời rỉ tai về một kho báu vàng bạc được chôn cất dưới huyệt mộ. Nhưng tuyệt nhiên không một ai ở làng có ý định xâm phạm. Người ta vẫn thành kính lẫn nể sợ mà tôn trọng giấc ngủ ngàn thu của người xưa.
Cho đến một ngày mùa đông năm Kỷ Tỵ 1989. Thời gian này việc đào phá mộ cổ rộ lên thành phong trào. Những kẻ trộm mộ tập trung đi thành nhóm và trang bị cả máy rà bom mìn để phát hiện đồ kim loại quý được chôn cùng người đã khuất. Đích nhắm đến của kẻ trộm mộ thường là những thứ đồ chôn theo người đã mất như vàng nén, vòng vàng đeo tay, đeo cổ. Đặc biệt, nhiều người còn tin xác ướp thường được bảo quản bằng cách cho ngậm các viên ngọc quý để chống thối rữa.
Những lời đồn đại không rõ thực hư này đã biến ngôi mộ cổ Linh Đường trở thành “dấu chấm đỏ” đánh thức lòng tham của những kẻ trộm mộ. Theo lời kể của người dân làng Linh Đường, nhiều ngày trước khi xảy ra chuyện động trời liên quan đến ngôi mộ, những kẻ khả nghi có điệu bộ lấm lét đã nhiều lần xuất hiện, thăm dò quanh khu vực nghĩa trang. Bọn chúng không chỉ biết chính xác vị trí của ngôi mộ mà còn nắm được địa thế và quy luật sinh hoạt của người dân nơi đây.
Ông Hoàng Đình Nhi (65 tuổi, người dân làng Linh Đường) nhớ lại: “Bọn trộm mộ đã tính toán vô cùng kỹ lưỡng. Chúng lựa chọn thời điểm giữa đêm mùa đông giá rét, mưa phùn gió bấc, lại đúng lúc tàu Thống Nhất đi qua để giật mìn phá cửa mộ. Tuy nhiên, do kết cấu mộ quá rắn chắc nên bọn chúng chưa kịp lấy được gì thì trời đã sáng. Bất đắc dĩ, chúng đành lấp mộ lại đợi đến đêm hôm sau”.
Lúc người dân ra kiểm tra thì thấy phần cánh cửa đá phía trước ngôi mộ đã bị đánh sập nhưng phần quách mộ bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Không ít người đã bàn tán rằng chính linh hồn của người nằm dưới mộ đã ngăn chặn không cho kẻ đào mộ lộng hành. Họ cũng xầm xì dưới ngôi mộ của quý tộc này thế nào cũng chôn nhiều ngọc ngà châu báu nhưng tất cả đều được “yểm bùa” bảo vệ, hễ ai xâm phạm tới sẽ bị trừng phạt. Trong khi đó, thông tin về sự xuất hiện của những kẻ mộ tặc cũng lập tức được trình báo cơ quan công an.
Dự đoán bọn chúng sẽ còn quay trở lại, Công an huyện Thanh Trì cùng các lực lượng chức năng ở địa phương đã âm thầm mai phục theo dõi. Ông Nhi chính là một trong những người tham gia vụ vây bắt năm xưa. Thời điểm đó, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Nhi tham gia vào tổ công nhân đánh cá. “Đêm lạnh, người dân ngủ hết chỉ có cánh đánh cá đi lùng sục đêm hôm như bọn tôi phát hiện ra hành tung của bọn trộm mộ. Nhưng đêm đầu lo sợ bọn chúng có vũ khí nên chúng tôi không dám manh động. Đêm hôm sau, sau khi có lực lượng công an và dân quân tăng cường, chúng tôi mới tham gia phối hợp vây bắt”, ông Nhi kể lại.
Nhóm công nhân đánh cá cùng dân quân địa phương đông tới hơn 20 người toàn thanh niên khỏe mạnh. Mọi người cởi trần, mỗi người cầm theo một đòn gánh dài chừng hơn 1 mét, trườn theo bờ ruộng áp sát khu mộ. Trong màn đêm tối đen, 2 bóng người lạ đang chập chờn bên ngoài khu mộ cổ. Thỉnh thoảng chúng lại chụm đầu vào nhau thì thào với dáng vẻ sốt ruột. Tiếng búa, tiếng cuốc chim dồn dập. Đúng lúc đó, các chiến sĩ an ninh bất thần áp sát nhóm đối tượng, tóm gọn bọn chúng cùng 1 xe máy và 2 xe đạp giải về trụ sở ủy ban nhân dân xã.
Trong số những kẻ bị bắt, dân làng đã nhận ra tên đi xe máy, tối hôm trước do vội vàng hấp tấp hắn đã lao cả xe và người xuống ao và được người dân tận tình giúp đỡ. Chỉ có điều khi bị xét hỏi, những kẻ bị bắt khai không hề biết gì về ngôi mộ cổ vì chỉ được thuê cảnh giới bên ngoài. Chủ mưu chính là hai tên đã quyết liệt mở đường máu chạy thoát. “Những kẻ bị bắt có cả súng nhưng may mà không có ai bị thương. Ngôi mộ cũng chưa bị mất mát gì lớn”, ông Nhi vẫn còn nhớ rõ.
Theo PLVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo