Quốc tế

Bí ẩn về người cung cấp thông tin mật về “Hồ sơ Panama” cho ICIJ

(DNVN) - Sau khi "Hồ sơ Panama" trở thành vụ rò rỉ tài liệu đen lớn nhất trong lịch sử thế giới, nhiều nghi vấn được đặt ra về người đã “tung ra” số dữ liệu khổng lồ này với cái tên “John Doe”.

“Xin chào. Tôi là John Doe. Các anh có quan tâm tới những dữ liệu không?” – một thông điệp nặc danh ngắn gọn đột nhiên xuất hiện trên màn hình máy tính của Phó trưởng Ban Điều tra Bastian Obermayer, thuộc tòa soạn báo Süddeutsche Zietung (Đức) hồi năm ngoái.

Với trực giác nhạy bén của một điều tra viên hàng đầu, Obermayer lập tức hồi đáp: “Chúng tôi rất quan tâm”. Câu trả lời đơn giản, nhưng chính là khởi đầu cho một vụ bê bối “Hồ sơ Panama” đang nổi đình đám hiện giờ. Nguồn tin giấu tên sau đó hồi âm rằng nếu được đáp ứng một vài điều kiện, người này sẽ tiết lộ cả một kho dữ liệu bí mật, với quy mô “lớn hơn bất cứ vụ nào mà các anh từng thấy trước đấy”.

Phóng viên điều tra Bastian Obermayer là người trực tiếp trao đổi với nguồn cung cấp thông tin trong vụ “Hồ sơ Panama”.

“Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm. Chúng ta sẽ chỉ trao đổi qua các tập tin đã được mã hóa. Không có cuộc gặp gỡ nào hết. Việc lựa chọn có tham gia vào vụ này hay không tùy thuộc hoàn toàn vào các anh” – người tố cáo nhấn mạnh.

Nhà báo Obermayer kể lại: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy người cung cấp thông tin. Tôi hỏi anh ta một cách cởi mở về việc tại sao lại làm điều này. Anh ta nói rằng, anh ta thấy phải ngăn chặn những tội ác đang diễn ra”. 

Sau đó, hai người bắt đầu sử dụng nhiều kênh liên lạc khác nhau để trao đổi, và đảm bảo xóa sạch tất cả lịch sử trò chuyện. Hai bên cũng thường dùng những đoạn hội thoại "tưởng như vô nghĩa" để xác thực về đối tượng mà mình đang trao đổi.

Kết quả mà Obermayer nhận được thật đáng kinh ngạc: John Doe cung cấp hơn 11 triệu tài liệu bao gồm thư điện tử, tập tin và hình ảnh liên quan tới khoảng 140 lãnh đạo, quan chức, người nổi tiếng và thân nhân của họ trên khắp thế giới.

Tổng số dữ liệu ước tính đạt 2,6 tetrabyte (TB), là tài liệu trong gần 40 năm hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, liên quan tới hơn 214.000 công ty vỏ bọc mà công ty này dựng lên ở hàng chục quốc gia để trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu tài sản cá nhân.

 

Tuy nhiên, để đổi lấy số tài liệu khổng lồ này, “John Doe” không hề yêu cầu tiền bạc hay bất cứ điều gì khác, ngoài một số biện pháp an ninh và được đảm bảo giữ bí mật danh tính. Vài tuần trước khi liên lạc với các đối tượng bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama”, nhà báo Obermayer đã hủy toàn bộ điện thoại và ổ cứng chiếc máy tính xách tay mà ông sử dụng để trò chuyện với John Doe.

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo