Quốc tế

"Hồ sơ Panama": 2 trong 7 ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc bị gọi tên

(DNVN) - Hậu quả của vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" mà Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hôm Chủ nhật 3/4 đối với nhiều lãnh đạo thế giới là khôn lường khi hàng loạt chính khách của nhiều nước bị gọi tên trong danh sách này.

Theo New York Times, 2 trong số 7 ủy viên thường trực Bộ Chính Trị Trung Quốc đương nhiệm bị liên lụy. Thân nhân của những nhân vật này có tên trong danh sách vừa được tiết lộ hôm đầu tuần. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cấm truyền thông nước này đưa tin về "Hồ sơ Panama".

Nhiều nhân vật đầy uy quyền trong hàng ngũ đảng Cộng Sản Trung Quốc gồm trưởng ban tuyên giáo Trung ương Lưu Vân Sơn, phó thủ tướng Trương Cao Lệ...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các vị lãnh đạo khác đến dự phiên họp Quốc hội ngày 8/3.

Con rể ông Trương Cao Lệ trực tiếp nắm giữ 3 công ty bình phong hoạt động tại thiên đường thuế khóa quần đảo Virgin được đặt dưới quyền kiểm soát của vương quốc Anh. Liên quan đến ông Lưu Vân Sơn, nhân vật đứng thứ 5 trong ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, con dâu của ông làm chủ và điều hành một công ty Trung Quốc cũng trên quần đảo này.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson là lãnh đạo cao cấp đầu tiên ngã ngựa sau vụ tiết lộ "Hồ sơ Panama". Người đứng đầu chính phủ Iceland cho biết “sẽ tạm nghỉ một thời gian” sau hàng loạt biểu tình phản đối của người dân từ tối thứ Hai 4/4.

Thủ tướng Iceland bị cáo buộc giấu nhiều triệu đô-la thông qua một công ty ma Wintris có trụ sở tại đảo Virgin của Anh và đứng tên chung với người vợ, một người được hưởng nhiều gia sản.

Ngay sau vụ "Hồ sơ Panama", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không thể phủ nhận là chủ sở hữu một công ty ma tại đảo Virgin của Anh từ tháng 8/2014. Ngày 6/4, đang công du tại Tokyo, người đứng đầu Ukraine cho biết công ty trên được thành lập để phân định rạch ròi lợi ích kinh tế và chính trị sau khi ông được bầu làm tổng thống Ukraine, và không nhằm mục ý định trốn thuế một phần thu nhập.

Tổng thống Poroshenko, đồng thời là một doanh nhân tỉ phú, khẳng định quá trình giao dịch để thành lập công ty trên hoàn toàn minh bạch và tuyên bố sẵn sàng chịu điều tra nếu cần thiết. Trước đó, một số nghị sĩ Ukraine đã yêu cầu Quốc Hội thành lập một ủy ban điều tra từ khi những thông tin về công ty ma của tổng thống được tiết lộ.

 

Ngoài ra, Tổng thống Achentina cũng bị một nghị sĩ đối lập đưa đơn kiện về tội trốn thuế vì tên của ông đã xuất hiện trong danh sách các công ty offshore.

Hôm 7/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ mọi “yếu tố tham nhũng” sau khi "Hồ sơ Panama" đã nêu tên người bạn của ông, nhạc sĩ Sergei Roldugin, là người đứng đầu một “đế chế offshore 2 tỷ USD”. Ông Putin nói rõ là cuộc điều tra của báo giới đã không tìm được thông tin nào đáng ngại đối với ông nên đã nắm lấy một số bạn bè của ông và từ đó nói là hoạt động của ông có “yếu tố tham nhũng”.

Ông Putin không ngần ngại tố cáo Mỹ đứng sau vụ Panama Papers sau khi WikiLeaks cho biết “chính phủ Mỹ tài trợ cho vụ Panama Papers tấn công vào Putin thông qua cơ quan USAID“.

Nên đọc
Thu Phương (Theo New York Times)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo