Tin tức - Sự kiện

Bị DN qua mặt tăng giá sữa, Bộ chưa thể kết tội?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định rằng, doanh nghiệp sữa tự ý tăng giá trong khi chưa giải trình xong là dấu hiệu vi phạm về giá. Tuy nhiên, phải chờ cơ quan thanh tra vào cuộc làm rõ vấn đề này mới có thể kết tội được doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
 
PV: Ông đánh giá như thế nào về động thái của các hãng sữa như Nestle vẫn tiếp tục tăng giá trong khi, Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu trong thời gian đang giải trình lý do, đề nghị bán giá như cũ?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Dưới góc độ cá nhân tôi, thái độ của doanh nghiệp như vậy là hơi coi thường văn bản của Cục quản lý giá.
 
Chúng tôi không làm lơ chuyện này. Ngay khi có thông tin như vậy, Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ Tài chính và đã đề nghị Bộ vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc này.
 
Tôi có thể nói, về mặt lý thuyết, chiểu theo Nghị định 109, công ty có dấu hiệu vi phạm về giá. Nghị định này cho phép xử lý các doanh nghiệp có hành vi tự ý nâng giá bán trong thời gian phải giải trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Tuy nhiên, để kết luận doanh nghiệp có vi phạm hay không thì phải chờ cơ quan thanh tra, kiểm tra của Bộ thực hiện, cơ quan này sẽ công bố thông tin. Nếu doanh nghiệp làm sai, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý.
 
PV: Thưa ông, sau khi phát hiện nguyên nhân tăng giá chưa rõ ràng, tại sao Cục Quản lý giá không yêu cầu Nestle cần giữ giá bán lẻ như điều hành xăng dầu, thay vì chỉ nhẹ nhàng “đề nghị” công ty áp dụng giá bán như trước khi kê khai?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, có Nghị định 84 riêng quy định cơ chế kinh doanh. Họ đều là doanh nghiệp trong nước. Các quy định về mặt hàng này cho phép cơ quan quản lý có thể ra công văn điều hành như vậy.
 
Tuy nhiên, đối với mặt hàng sữa, chúng ta không có Nghị định nào về quản lý, kinh doanh sữa. Sữa chỉ là một mặt hàng nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn, chịu điều tiết chung, thực hiện theo quy định chung của Luật Giá.
 
Theo đó, Nhà nước tôn trọng quyền tự do về giá, quyền cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Nhà nước điều tiết trong bối cảnh nếu như doanh nghiệp độc quyền, doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh, hoặc khi có yếu tố bất thường, ảnh hưởng đến đời sống thì sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
 
Vì vậy, Cục Quản lý giá không thể điều hành giá sữa giống như giá xăng dầu được.
 
Sữa tăng giá từ 5-7%
 
Sẽ kiểm soát giá bán lẻ sữa
 
PV:Thưa ông, giá sữa được kê khai tới bộ chỉ là giá bán buôn. Doanh nghiệp sữa không quan tâm giá bán lẻ tới người tiêu dùng sẽ gấp bao nhiêu lần. Vậy, Cục Quản lý giá sẽ kiểm soát vấn đề này thế nào?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đây là một vấn đề khó của kiểm soát giá sữa. Khi gửi văn bản đăng ký giá, các doanh nghiệp cũng có gửi biểu giá bán lẻ khuyến nghị dự kiến tăng so với giá bán buôn. Mức chênh lệch thường khoảng 30-40%.
 
Hiện nay, chúng tôi cũng đang tính toán khắc phục vấn đề này, bằng việc có thể phân cấp, phân quyền quản lý giá sữa về các sở tài chính, phòng tài chính cấp huyện. Theo đó, các cơ sở bán lẻ sữa cũng có thể sẽ phải kê khai giá sữa bán lẻ tới các phòng tài chính cấp huyện nay. Khi đó, việc kiểm soát giá sữa sẽ được thực hiện toàn diện hơn.
 
PV: Có thông tin nói rằng, giá sữa tăng tới 30 lần trong 3 năm, ông đánh giá thế nào về điều này?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi không rõ nguồn tin nói giá sữa tăng 30 lần là từ đâu, nhưng theo thông tin của Cục thì không có trường hợp nào tăng 30 lần như vậy.
 
Năm 2013, theo báo cáo của 6 công ty sữa gửi Cục Quản lý giá, đa phần, các doanh nghiệp đều có một số dòng sữa điều chỉnh 1 lần. Trên thực tế, có doanh nghiệp kinh doanh 30 mặt hàng sữa, nhưng có những dòng hàng giữ giá đến 2 năm, có dòng hàng điều chỉnh 1 lần, có dòng hàng điều chỉnh so le nhau, do vấn đề thị hiếu.
 
Thị trường sữa hiện có tính cạnh tranh cao. a phần, các doanh nghiệp vừa qua tăng giá nhiều hơn là giảm giá nhưng phần lớn là ổn định giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa thường không giảm giá bán lẻ mà giảm bằng hình thức đưa mặt hàng phụ trợ kèm vào, như khuyến mại, liên kết với nhãn hàng khác.
 
Vừa qua, có một thời kỳ, chúng tôi mất tầm kiểm soát giá sữa vì lý do tên hàng theo quy định của bộ Y tế. Vì bị gián đoạn như vậy nên khó đánh giá hết được thị trường sữa thời gian qua.
 
PV: Thưa ông, so sánh giá sữa hiện nay của Việt Nam với giá sữa trên thế giới và trong khu vực thì giá sữa ở ta ở mức độ nào?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi hiện chưa có so sánh vấn đề này. Còn nói về hiện tượng thì có nhiều người nói theo cảm nhận thấy rõ rồi. Sang nước ngoài, mua một số dòng sản phẩm rõ ràng là rẻ hơn mặt bằng thị trường trong nước, nhưng cũng có dòng hàng cao hơn. Chúng tôi cũng rất muốn cơ quan chức năng nào đó có thống kê giúp cho Bộ Tài chính, Cục quản lý giá về vấn đề này.
 
PV: Theo ông, trước việc giá sữa tăng ồ ạt, ông có lợi khuyên gì tới người tiêu dùng hiện nay?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thị trường sữa đang có một vấn đề bất cập. Có những bà mẹ chia sẻ với tôi rằng, con họ quen dùng một loại sữa rồi, nhiều khi phải chờ để mua loại sữa đó. Vì thói quen tiêu dùng đó nên người tiêu dùng vô hình chung lại bị khống chế, bị lệ thuộc, dẫn dắt theo doanh nghiệp sữa.
 
Tôi cho rằng, thái độ của người tiêu dùng rất quan trọng đối với nhóm hàng điều phối qua thị trường. Nhà nước chỉ có một công cụ nào đó để tác động cho thị trường tốt lên, nhà nước không thể áp đặt giá được. Thị trường đã cạnh tranh rồi thì phải để cho thị trường điều tiết.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo