Bi hài chuyện đàn khỉ kéo nhau quậy phá nhà dân vì bị bỏ đói
Thời gian qua, nhiều người bàn tán về chuyện đàn khỉ của Khu du lịch Phù Sa, ở cồn Ấu, phường Hưng Phú, quận Cái Răng (Cần Thơ) kéo nhau quậy phá nhà dân vì bị bỏ đói nhiều ngày liền. Ngoài chuyện phiền toái về đàn khỉ, hàng trăm hộ dân ở cồn Ấu còn sống trong cảnh phập phồng bởi dự án “treo” kéo dài hành hạ nhiều năm.
Trái cây, hoa màu của dân bị khỉ phá
Chúng tôi xuống đò sang cồn Ấu, nghe nhiều người phàn nàn về việc bị đàn khỉ quậy phá. Anh Lê Văn Hiếu (ngụ tổ 6, khu vực 1, phường Hưng Phú) bức xúc: “Gia đình tui ở cồn Ấu đã hàng chục năm, chuyên trồng cây ăn trái cùng hoa màu kiếm sống. Vậy mà thời gian qua, mỗi khi trái cây như xoài, chuối, nhãn, đu đủ... tới mùa thu hoạch là bị đàn khỉ từ Khu du lịch (KDL) Phù Sa lũ lượt vượt con rạch nhỏ kéo sang quậy phá tưng bừng. Trái thì chúng ăn, trái thì hái bỏ tứ tung thấy mà sót ruột, đúng là “con cháu Tề Thiên” phá không ai bằng”.
Theo anh Hiếu, do KDL Phù Sa chỉ cách khu nhà dân một con rạch nhỏ, trong khi hai bên là những dãy cây bần chạy dài đan xen nhau, nên đàn khỉ dễ dàng đu trên cây bần để qua khu dân cư quậy phá. “Ngoài chuyện hái ăn, hái bỏ trái cây, đàn khỉ còn rủ nhau đi nhổ bỏ hoa màu như hành lá, cải xanh... quăng tứ tung khiến người dân cồn Ấu rất tức giận mà không biết làm gì, bởi cứ thấy bóng người xuất hiện là bọn chúng nhe răng chọc tức rồi nhanh chóng phóng lên đọt bần trốn mất”, anh Hiếu nói.
Bà Bạch Thị Út (cũng ở cồn Ấu) cho biết thêm: “Cùng với khỉ, những con sóc, con nhan… của KDL cũng đeo theo những dãy bần sang đây cắn phá cây ăn trái. Khi chúng sang buổi sáng, khi thì buổi chiều hoặc tối nên người dân không thể canh đuổi mãi được, còn giăng bẫy để bắt thì rất khó bởi bọn chúng rất khôn”.
“Những con vật phá phách này đều do KDL Phù Sa nuôi mới có. Vài năm trước, khi KDL còn hoạt động xôm tụ thì đàn khỉ ở đây khá đông và được những người bảo vệ cho ăn đều đặn mỗi ngày mấy lần nên bọn chúng no bụng và ít phá. Song, từ khi KDL này đóng cửa, vắng du khách thì đàn khỉ bị bỏ đói một cách không thương tiếc. Đói quá nên chúng chạy sang khu dân cư bên này kiếm ăn, rồi quậy phá là chuyện hiển nhiên”, bà Út bộc bạch. Theo lời ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ tổ 6, cồn Ấu), thời gian trước, đàn khỉ được nuôi ở KDL này khá nhiều nhằm phục vụ khách tham quan. Dần dần về sau, KDL ế ẩm thì đàn khỉ cũng thưa dần bởi không ai quan tâm, hoặc bị chuyển đi nơi khác, bị săn bắt… Song, ước tính vẫn còn lại vài chục con.
Đàn khỉ vô chủ vì khu du lịch thua lỗ?
Chi cục Kiểm lâm thành phố Cần Thơ cho rằng, trước đây, khi Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (Cataco) đầu tư KDL Phù Sa ở cồn Ấu có xin phép nuôi khỉ nhằm mục đích phục vụ du lịch. Sau khi đàn khỉ này được thả nuôi, chúng sinh sản bao nhiêu không ai rõ. Ông Lâm Thành Sơn - Phó chủ tịch UBND phường Hưng Phú, quận Cái Răng - nhìn nhận: “Sau khi nhận được thông tin đàn khỉ quậy phá nhà dân ở cồn Ấu, UBND phường đã phối hợp cùng các ngành chức năng cấp quận, lực lượng kiểm lâm… sang cồn Ấu kiểm tra tình hình. Thời điểm KDL ăn nên làm ra thì số lượng đàn khỉ bao nhiêu không rõ, nhưng hiện tại đàn khỉ ở KDL Phù Sa còn lại 9 con, cùng với 3 con do người dân lân cận nuôi, tổng cộng là 12 con khỉ. Để đảm bảo an toàn cho người dân và tránh tình trạng trái cây, hoa màu… bị phá. Ngành chức năng đã yêu cầu các chủ phải nhốt lại toàn bộ đàn khỉ trên hoặc có biện pháp chuyển đi nơi khác”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, KDL Phù Sa từng một thời nổi đình nổi đám ở miền Tây, nay phải đóng cửa ngừng hoạt động, từ đó đẩy đàn khỉ vào cảnh vô chủ. Giải thích việc này, Sở Văn hóa -Thể thao - Du lịch TP.Cần Thơ cho biết, khoảng năm 2004, Công ty Cataco đầu tư hơn 20 tỉ đồng để cải tạo một phần vùng đất bãi bồi cồn Ấu, biến nơi đây thành KDL sinh thái nước ngọt đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.
Sau thời gian xây dựng trên diện tích hơn 30ha (giai đoạn 1), đầu tháng 9.2006, KDL Phù Sa chính thức khánh thành đưa vào hoạt động với nhiều loại hình hấp dẫn như: Chèo thuyền, lướt canô quanh cồn Ấu, tham quan những rặng bần bạt ngàn rất quyến rũ; vui chơi với các khu công viên, dòng suối, hồ sen, đầm trâu, nhà thủy tạ...; chơi các trò chơi cảm giác mạnh như lái môtô nước, lướt ván, ca nô kéo dù trên sông Hậu, câu cá sấu… cùng nhiều loại hình hấp dẫn khác, dành cho mọi lứa tuổi. KDL Phù Sa còn phục vụ nhiều món ăn đặc trưng của vùng sông nước và có khu nghỉ dưỡng sinh thái giữa cù lao.
Bà Triệu Tú Nga -Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VHTTDL TP.Cần Thơ) - nhìn nhận: “Thời gian đầu, KDL Phù Sa thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, tham quan, nghỉ ngơi. Đến khi cầu Cần Thơ được khánh thành thì KDL này tiếp tục đông khách bởi vị thế được thiên nhiên ưu đãi nằm giữa sông Hậu và ngay phía dưới cầu Cần Thơ. Không ngờ thời gian sau đó, Phù Sa yếu đi trông thấy bởi không tạo thêm những loại hình mới mà chỉ quanh quẩn cái cũ khiến du khách nhàm chán”.
Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường Hưng Phú - nói thêm: “Lúc đó, nhiều người phản ánh KDL Phù Sa chặt chém quá, ngay cả khách của UBND phường đưa qua tham quan cũng bị tính giá rất cao, chưa kể thái độ phục vụ không được chu đáo. Thế là KDL dần dần mất khách...”. Ngoài những yếu tố trên, cũng có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng công ty mẹ là Cataco rơi vào tình cảnh khó khăn nên KDL “chết yểu”. Sau khoảng 5 năm hoạt động, một KDL sinh thái rất hoành tráng như Phù Sa đã phải đóng cửa. Kể từ đây, kế hoạch mở rộng giai đoạn 2 (từ năm 2010- 2020) với kinh phí đầu tư 30 tỉ đồng bị phá sản. Hàng loạt cán bộ, nhân viên KDL tìm đường đi nơi khác, chỉ còn lại đàn khỉ bơ vơ nên đi quậy phá nhà dân.
Dân cồn Ấu… tiếp tục khổ?
Sau khi KDL Phù Sa bỏ chạy vì kinh doanh không hiệu quả, năm 2012, UBND TP.Cần Thơ chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Novaland đầu tư xây dựng “Khu du lịch và biệt thự, cùng sân golf ở cồn Ấu”. Tuy nhiên, đến nay dự án mới này vẫn chưa được triển khai và KDL Phù Sa tiếp tục rơi vào tình trạng “treo” kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường Hưng Phú - trăn trở: “Cồn Ấu có diện tích tự nhiên 124ha. Vị thế rất tuyệt vời nhưng mấy năm qua nhiều doanh nghiệp làm ăn kiểu phập phù khiến người dân khổ sở vì “treo” kéo dài. Hiện người dân không được cấp giấy đỏ, không được vay vốn ngân hàng, không được xây nhà... bởi tất cả nằm trong quy hoạch. Hiện hàng loạt hộ chỉ trồng hoa màu, cây ăn trái dạng ngắn hạn để sống qua ngày, còn về lâu dài chưa biết ra sao. Mới đây, Công ty Novaland nói ban đầu tiếp nhận 30ha cũ của KDL Phù Sa để lại, sau đó sẽ đầu tư toàn bộ cồn Ấu và như vậy người dân bị giải tỏa trắng 100%. Thế nhưng, tới thời điểm này, chính sách tái định cư, đền bù, giải quyết việc làm cho dân bị mất đất… vẫn chưa rõ”.
“Thú thật, do có nhiều dự án ở cồn Ấu thực hiện kiểu “không đâu” nên người dân bị mất lòng tin dữ lắm. Chính vì vậy mà từ tháng 2.2014 kéo dài tới tháng 7.2014, phường Hưng Phú cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức vận động không biết bao nhiêu cuộc để người dân đồng tình về chủ trương phát triển cồn Ấu. Cuối cùng mới được 220 hộ/240 hộ chịu cho đo đạc, kiểm kê hoa màu, vật dụng kiến trúc..., những hộ còn lại yêu cầu gặp chủ đầu tư là Công ty Novaland để thỏa thuận giá cả đền bù theo thị trường, bởi đây là dự án kinh doanh”, ông Sang giãi bày.
Theo UBND phường Hưng Phú, đến bao giờ dự án mới được triển khai thì vẫn không rõ bởi chưa nghe nhà đầu tư nói. Đối với những hộ dân đã đồng ý cho đo đạc đất đai, nay yêu cầu nhà đầu tư giải ngân tiền để bà con tìm nghề khác mưu sinh, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Tình hình này kéo dài sẽ khiến cư dân cồn Ấu khổ vì đàn khỉ thì ít, mà khổ vì các nhà đầu tư thì nhiều…
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đợt không khí lạnh mạnh nhất: Miền Bắc nhiều nơi dưới 1 độ C, Hà Nội lạnh nhất từ đầu mùa đông
Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành
Xây dựng thương hiệu công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Đưa sản phẩm chủ lực vào chuỗi cung ứng
Đà Nẵng: Ba khâu đột phá phát triển du lịch trong 2025
Công ty bảo hiểm lần thứ 9 xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Hiệu quả từ chiến lược phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo