Bị quỵt lương, công nhân chới với
Ngoài việc khốn đốn vì bị nợ lương, hành trình đi kiện để đòi quyền lợi chính đáng của công nhân cũng trầy trật
“Công ty thường xuyên ép công nhân (CN) tăng ca đến 24 giờ, chúng tôi phải ngủ lại công ty để sáng hôm sau làm tiếp. Lúc khỏe mạnh hay mệt mỏi đều phải tăng ca, đau bệnh cũng không được ra khỏi cổng. Ép CN làm bán sống bán chết như thế mà lại quỵt lương của chúng tôi...”. Chị Nga, CN Công ty TNHH SMY Việt Nam (28/12 Dương Công Khi, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM), vừa khóc vừa nói khi hay tin bà Nguyễn Thị Như Ý, giám đốc công ty, biến mất vào ngày hẹn trả lương, mang theo hơn 600 triệu đồng tiền lương của 153 CN.
Hứa lèo với công nhân
CN cho biết trước đó, đến kỳ hạn trả lương (ngày 10-8) nhưng không thấy công ty có động tĩnh gì, 2 hôm sau, toàn thể CN ngừng việc đòi lương. Trước áp lực của CN, bà Ý hứa cho CN tạm ứng 1 triệu đồng/người vào ngày 16-8 và ngày 20-8 sẽ trả hết lương cho CN. Tuy nhiên, chiều 20-8, bà Ý lại thông báo không có lương vì khách hàng chưa thanh toán. Bức xúc, CN tiếp tục ngừng việc. Khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, bà Ý đồng ý cho CN tạm ứng thêm 1 triệu đồng nữa, đồng thời tiếp tục hứa hẹn đến ngày 28-8 sẽ trả hết lương cho CN.
Đến hẹn, CN đến công ty làm việc như thường lệ thì thấy công ty “cửa đóng then cài”, bà giám đốc cũng mất tăm, chỉ để lại một bản thông báo ngoài cổng với nội dung: “Công ty tạm thời ngừng hoạt động từ 28-8, ngày 11-9 sẽ hoạt động trở lại. Lương tháng 7, 8-2014 sẽ được trả vào ngày 10-9”. Đọc xong bản thông báo, nhiều CN đã bật khóc.
Tham gia giữ gìn trật tự tại công ty nhiều ngày qua, anh P. - công an viên xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn - không khỏi xót xa khi chứng kiến những hoàn cảnh bi đát của CN. Anh nhớ mãi trường hợp của CN tên là Phượng. Chồng chị Phượng bị bệnh tim không làm việc được, mọi chi tiêu trông chờ vào đồng lương của vợ. Suốt 2 tháng bị nợ lương, không có tiền mua gạo, mua thuốc cho chồng, chị còn bị chủ nhà nhiều lần dọa đuổi. Đã vậy, cách đây ít hôm, Phượng lại bị sẩy thai, sức khỏe rất yếu. “Khi hay tin giám đốc biến mất, vợ chồng chị Phượng đến công ty tìm hiểu tình hình, sau đó chồng chị ngất đi vì quá sốc. Tôi đã đưa họ về nhà trọ ở xã Xuân Thới Nhì, xin chủ cho khất tiền thuê nhà và hỗ trợ cho gia đình chị Phượng 500.000 đồng mua gạo. Nghe đâu anh chồng lại mới nhập viện, không biết chị Phượng sẽ xoay xở thế nào...” - anh P. kể.
Muốn kiện cũng không xong!
Sau khi sự việc xảy ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Hóc Môn đã tổ chức hòa giải, đồng thời hướng dẫn CN nộp đơn khởi kiện. “Khi đến TAND huyện Hóc Môn thì ở đây yêu cầu phải cung cấp bản sao CMND, hộ khẩu thường trú có chứng thực và xác nhận tạm trú… Biên bản hòa giải chỉ cho thời hạn 3 ngày để nộp đơn khởi kiện, chúng tôi đa số là dân ở tỉnh, làm sao kịp làm giấy tờ trong thời gian ít ỏi đó?” - CN tên là Ân bức xúc.
Khi chúng tôi đề cập vấn đề này với một cán bộ Phòng LĐ-TB-XH huyện Hóc Môn thì được trả lời “đó là quy định hòa giải”. Tuy nhiên, luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, khẳng định chẳng có quy định nào như vậy cả. “Thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm kể từ ngày phát hiện hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Phòng LĐ-TB-XH huyện Hóc Môn quy định thời gian 3 ngày là sai” - luật sư Tín cho biết.
Quyền lợi chính đáng bị mất, nộp đơn khởi kiện cũng không xong, CN kéo về công ty yêu cầu chính quyền địa phương niêm phong tài sản thì nhận được câu trả lời “phải có phán quyết của tòa mới được niêm phong”. Một CN buồn rầu: “Tòa án bảo phải mất từ 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày nộp đơn tòa mới xử. Chờ đến khi có phán quyết của tòa, công ty tẩu tán hết tài sản thì lấy gì trả cho chúng tôi?”.
Chưa kịp kiểm tra thì xảy ra sự cốCông ty TNHH SMY Việt Nam hoạt động từ tháng 5-2011 với 153 CN nhưng không ký HĐLĐ và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng huyện kiểm tra công ty này nhưng chưa kiểm tra được lần nào thì đã xảy ra sự cố. Trước mắt, do chưa có quyết định niêm phong nên chính quyền địa phương và CN sẽ cùng nhau bảo vệ tài sản công ty. Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện cũng tập hợp hồ sơ khởi kiện của CN để chuyển sang tòa án” - ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết.
NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo