Biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của quốc tế
Đây là lần thứ tư liên tiếp, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo này. Diễn ra trong ba ngày (từ 19 đến 21/11), Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ tư sẽ có 10 phiên họp. Tại các phiên họp, các học giả Việt Nam và khách mời đến từ Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Pháp, Indonesia, Trung Quốc… sẽ cùng trao đổi về lợi ích của các bên liên quan và về những sự kiện xảy ra trên biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt là các sự kiện xảy ra trong 1 năm trở lại đây.
Ngoài ra, hội thảo cũng là dịp để các học giả đề xuất các kênh, các phương cách để nghiên cứu học thuật tác động tích cực hơn đến công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo của các nước liên quan trong các quyết sách về biển Đông.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Với phương thức thảo luận thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, hội thảo sẽ là ngày hội trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của thế giới về biển Đông, sẽ có những đóng góp tích cực để giờ này sang năm chúng ta có thể mừng vui hơn vì đã có nhiều cơ chế hợp tác đã được thảo luận”.
Ông Quý cũng cho biết, từ năm 2009 đến nay, nhiều công trình nghiên cứu từ các góc độ khác nhau của các học giả quốc tế về biển Đông đã được công bố. Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông được tổ chức trong thời gian qua giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng bản chất của những vụ việc xảy ra trên biển Đông thời gian qua.
“Thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu, thông qua việc phát biểu chính kiến của mình, các đại biểu đã giúp cho công luận hiểu rõ hơn bản chất của căng thẳng, đã giúp cho các nhà hoạch định chính sách tính toán rõ hơn lợi ích của dân tộc họ trước khi ra các quyết định liên quan đến biển Đông”, ông Quý nhấn mạnh.
Một số học giả đánh giá, hội thảo sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông, đồng thời đề xuất những kiến nghị cho chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, kiểm soát khủng hoảng ở biển Đông.
Giáo sư Hasjim Djalal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần hỏi, nhưng cuối cùng các học giả Trung Quốc cũng không thể đưa ra được câu trả lời chính xác mà họ chỉ nói đó là “đường lịch sử”. Và như thế về mặt chủ quyền chúng tôi cũng thực sự không hiểu đường lịch sử là gì?
Với sự tham dự của các học giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể thấy vấn đề biển Đông hiện nay đã trở thành mối quan tâm của tất cả cộng đồng quốc tế chứ không còn là câu chuyện của riêng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Bởi một khi biển Đông bất ổn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giao thương bằng đường biển của cả thế giới.
Chính vì thế, mọi tranh chấp trên biển Đông cần được giải quyết bằng con đường hòa bình và tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển năm 1982 và Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở biển Đông.
Hồng Lĩnh (Theo VTV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất