Biển Đông: Lý do và mục đích khiến chúng ta phải nhẫn nhịn
Một đất nước yêu chuộng hòa bình sẽ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp nhẫn nhịn, mềm dẻo để giải quyết các xung đột. Điều đó không có nghĩa đất nước đó hèn nhát và sợ hãi. Đây là chân lí không cần chứng minh, chỉ cần nhìn lại lịch sử.
Việc Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm vùng biển và không ngừng gia tăng các hoạt động khiêu khích, hiếu chiến đối với lực lượng chức năng của chúng ta trong những ngày qua gây ra quan ngại sâu sắc trong và ngoài nước.
Đâu đó đã có ý kiến cho rằng chúng ta cần phải quyết liệt hơn thay vì quá mềm mỏng như hiện nay và đã bắt đầu xuất hiện tư tưởng cực đoan, và ngay lập tức bị kẻ xấu lợi dụng tiến hành các hoạt động mang tính phá hoại, đe dọa chính sách mang tính đại cục của nhà nước. Chính vì thế, cần phải hiểu thấu đáo ý nghĩa của chiến lược nhẫn nhịn, mềm dẻo, đề cao chính sách ngoại giao mà chúng ta đang kiên định theo đuổi.
Vì sao cần phải nhẫn nhịn?
Cách hành xử thông thường là đáp trả lại đối phương theo đúng cách mà họ khơi mào. Tuy nhiên, không phải lúc nào đây cũng là ứng xử khôn ngoan và hiệu quả nhất. Những gì Trung Quốc đang triển khai hiện nay trên Biển Đông là mưu đồ có tính toán, được chuẩn bị trong một thời gian dài.
Khi tiến hành các hoạt động khiêu khích, Trung Quốc chắc chắn đã trù liệu mọi tình huống và các khả năng phản ứng của ta. Việc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia, kết hợp với sử dụng lực lượng hỗn hợp khổng lồ bảo vệ cho quá trình xâm phạm đó là một âm mưu đầy thâm hiểm. Trung Quốc hy vọng tạo ra tâm lí nóng vội, sốt ruột, hoang mang từ phía Việt Nam để rồi dẫn đến những quyết sách thiếu cẩn trọng, những phản ứng thiếu kiềm chế. Chỉ cần chúng ta thiếu kiểm soát, vô tình khơi mào đụng độ ở bất kì cấp độ nào, Trung Quốc sẽ lu loa, bôi nhọ, xuyên tạc phản ứng của ta với Thế giới. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ đạt được một số mục đích sau:
Một là đánh lạc hướng dư luận. Thay vì tập trung vào việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia, Trung Quốc sẽ tìm cách lái vấn đề sang các va chạm dân sự, thậm chí đẩy lên thành va chạm quân sự. Âm mưu này khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn, dàn trải lực lượng hơn trên các mặt trận ngoại giao, hay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển. Trong lúc đó, Trung Quốc từng bước ổn định, phát triển cơ sở giàn khoan trên lãnh thổ của chúng ta.
Hai là, Trung Quốc, giống như trước đây, sẽ vu khống rằng Việt Nam là bên khiêu chiến, khơi mào đụng độ trước khi tiến hành các biện pháp thương lượng ngoại giao cần thiết. Họ sẽ lu loa với cả thế giới rằng những gì họ làm chỉ là "phòng vệ chính đáng" và Việt Nam mới là nước phá vỡ tinh thần "16 chữ vàng" mà lãnh đạo hai nước đã đưa ra gần đây.
Ba là, tranh thủ thêm sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước cho chính sách bá quyền, hiếu chiến mà chính phủ Trung Quốc đang tiến hành với các nước trong khu vực. Cần phải làm rõ là không phải tất cả mọi người dân Trung Quốc đều ủng hộ những gì mà chính phủ của họ đang làm. Những bất ổn hiện nay ở nhiều khu vực như Tân Cương là ví dụ tiêu biểu. Chính vì thế, nếu âm mưu kích động phía Việt Nam hành động thiếu kiểm soát, họ sẽ tuyên truyền và lợi dụng lòng yêu nước của người dân.
Bốn là, cuốn hút Việt Nam vào cuộc đụng độ không cân sức về mặt quân sự để rồi lấy lợi thế này áp đảo, buộc Việt Nam phải thương lượng, dẫn đến nhân nhượng. Lợi thế của nước lớn giúp Trung Quốc hàng năm có thể dành một khoản ngân sách khổng lồ cho đầu tư quân sự và họ không giấu giếm tham vọng trở thành một thế lực mới trong khu vực và trên thế giới.
Nhẫn nhịn đem lại cho ta lợi ích gì?
Về phía chúng ta, áp dụng chính sách kiên định, mềm dẻo, thông qua các biện pháp hòa bình trong thời điểm hiện tại là quyết sách đúng đắn, hiệu quả nhất. Chúng ta đã và đang kế thừa kinh nghiệm, bài học mà cha ông ta để lại sau 21 thế kỉ chung sống cạnh một người hàng xóm tham lam. Vào thời Trần, ngay cả khi sứ thần của nhà Nguyên ngỗ ngược gây hấn tại kinh thành Thăng Long, triều đình nhà Trần vẫn mềm dẻo, sử dụng các biện pháp hòa hiếu, không rơi vào bẫy khiêu khích của địch. Trong bối cảnh hiện tại, chính sách nhẫn nhịn của chúng ta đem lại những lợi ích cụ thể sau:
Một là, chúng ta đang gửi một thông điệp hết sức rõ ràng tới dư luận Quốc tế cũng như nhân dân Trung Quốc rằng chúng ta muốn hòa bình, và thực tâm muốn sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột. Chúng ta luôn lắng nghe và tuân thủ luật pháp Quốc tế, kiềm chế các phản ứng của mình theo tinh thần của một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Qua đó, tranh thủ sự ủng hộ của Quốc tế trong việc lên án hành động bá quyền của Trung Quốc.
Hai là, chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho các hoạt động đấu tranh pháp lí một cách bài bản, có hệ thống, có chiều sâu. Bằng cách này, chúng ta buộc Trung Quốc phải đối thoại với chúng ta trên mặt trận ngoại giao do chúng ta khởi xướng, nơi chúng ta có lợi thế về sự thật lịch sử được thừa nhận bởi luật pháp quốc tế, tránh đối đầu ở mặt trận trên biển, nơi họ đã đặt bẫy để khiêu khích ta.
Ba là, chúng ta có thời gian tập hợp đầy đủ các nguồn lực khác nhau để thực hiện quyết sách cho các bước đấu tranh tiếp theo. Bất cứ một chiến lược đấu tranh nào cũng cần phải có đầy đủ nguồn lực và sự chuẩn bị những nguồn lực ấy là rất cần thiết, mang tính quyết định. Chúng ta cũng có thời gian để xem xét kĩ các kịch bản khác nhau mà phía Trung Quốc có thể đưa ra trong thời gian tới và qua đó có sự ứng phó cần thiết.
Một đất nước đã đi qua quá nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm sẽ không bao giờ run sợ, chấp nhận sự xâm lấn lãnh thổ bất hợp pháp của bất cứ thế lực nào. Một đất nước yêu chuộng hòa bình sẽ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp nhẫn nhịn, mềm dẻo để giải quyết các xung đột. Điều đó không có nghĩa đất nước đó hèn nhát và sợ hãi. Đây là chân lí không cần chứng minh, chỉ cần nhìn lại lịch sử.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo