Tin tức - Sự kiện

Biến tướng nhà tái định cư

Nhiều cư dân Thủ đô tha thiết muốn về ở khu tái định cư (TĐC) gần trung tâm. Thế nhưng với sự “bật đèn xanh” của cơ quan chức năng đã biến những khu TĐC vị trí vàng thành nhà thương mại giá cao; còn những nơi khác lại hoang vắng kỳ lạ.

Kỳ 1: Làm xiếc

 

Năm nào Hà Nội cũng báo cáo thiếu quỹ nhà TĐC, nhưng có một thực tế: Chính thành phố chấp thuận cho nhiều chủ đầu tư biến quỹ đất 20% dành cho TĐC thành những khu nhà ở thương mại cao tầng.

 

Tòa chung cư tái định cư 4A ngõ 16 Tạ Quang Bửu xây dựng đã lâu chưa đưa vào sử dụng. Ảnh: Như Ý.

 

Chuyển đổi bán giá thương mại

 

Tòa nhà CT4 khu nhà ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Cty CP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội (Hanhud) làm chủ đầu tư. Dự án nằm ngay trên mặt Đại lộ Thăng Long, gần với đường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Duy Hưng... nên giao thông đi lại thuận tiện. Công trình có vị trí đắc địa khi nằm cạnh trụ sở Bộ Ngoại giao, gần sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm hội nghị Quốc gia...

 

Dự án thuộc quỹ đất 20% của thành phố (được UBND thành phố giao đất tại Quyết định số 5382 ngày 9/9/2003), gồm 2 khối nhà với 71 căn hộ. Ban đầu, dự án được xây dựng bố trí cho quỹ nhà TĐC của thành phố. Sau đó, Hanhud xin chuyển đổi sang bán cho một cơ quan nhà nước. Do cơ quan này không mua nữa nên Hanhud tiếp tục xin bán quỹ nhà thành nhà thương mại.

 

Thế rồi, trong Công văn số 5581 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ký ngày 28/7/2014, chấp thuận về chủ trương: Cho phép Hanhud được bán căn hộ nhà CT4 cho các đối tượng trên thị trường; Hanhud phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách, thủ tục về sử dụng đất và thủ tục bán nhà theo quy định.

 

Lý giải việc chuyển đổi nhà TĐC sang thương mại, bà Lê Thị Kim Yến - Giám đốc Ban Quản lý dự án số 2 (Hanhud) cho biết: “Dự án thuộc khu vực Mễ Trì nên nhu cầu về nhà ở TĐC không cao. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp chôn hơn 70 tỷ đồng vào dự án nên nhờ Nhà nước can thiệp. Dự kiến, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, dự án sẽ bán với giá khoảng 21 triệu đồng/m2 nhằm thu hồi vốn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

 

Nằm sát cạnh khu này, dự án CT5 cũng do Hanhud làm chủ đầu tư xây dựng bán cho một cơ quan nhà nước với giá 8 triệu đồng/m2 (tương đương mức giá nhà TĐC).

 

Dự án CT4 Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được xin chuyển đổi từ nhà TĐC sang thương mại dự kiến bán với giá 21 triệu đồng/m2.

 

Chây ỳ đưa vào sử dụng nhà TĐC

 

Khối nhà TĐC 4A (Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với 155 căn hộ do Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư đã hoàn thiện nhưng không biết bao giờ được đưa vào sử dụng. Ông Thế Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án TĐC Tạ Quang Bửu cho biết: “Hiện công ty chưa có danh sách khách hàng mua nhà tại dự án. Do dự án kéo dài gần chục năm nên một số thủ tục thay đổi. Dự kiến đến cuối năm nay, dự án bàn giao cho thành phố”.

 

Theo một thanh tra thuộc Đội thanh tra quận Hai Bà Trưng, dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên không đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Công trình kéo dài gần 10 năm gây lãng phí lớn về quỹ nhà TĐC ở vị trí trung tâm.

 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, dự án nhà TĐC Tạ Quang Bửu được xây trên 20 tầng nên buộc phải có nghiệm thu công trình do đơn vị chức năng kiểm định. “Hiện, chúng tôi chưa nhận được công văn từ phía ban quản lý dự án TĐC này”, ông Hà nói.

 

Còn khối nhà C1 (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) thuộc quỹ nhà 20% được UBND thành phố Hà Nội giao cho Vinaconex 1 làm chủ đầu tư xây nhà TĐC. Theo kế hoạch của thành phố, quý III/2013 phải đưa tòa nhà vào sử dụng nhưng đến nay, dự án mới chỉ dừng lại ở xây thô. Khối nhà C1 chung đế với 4 tòa chung cư thương mại cao từ 22 đến 17 tầng, có giá từ 27 đến 29 triệu đồng/m2.

 

Việc chậm đưa khối nhà TĐC vào sử dụng được ông Đinh Hoàng Diệp, Phó Tổng giám đốc Vinaconex 1 cho biết, trước đây, dự án nhà này dành cho công chức, sau làm nhà tạm cư khu Thượng Đình, rồi lại chuyển sang nhà ở công chức, nhà ở xã hội. Hiện, mục tiêu của UBND thành phố Hà Nội dùng làm quỹ nhà TĐC.

 

Do diện tích căn hộ trên 100 m2 phải điều chỉnh nên việc phê duyệt lâu. Tháng 7/2014, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư làm rõ về cơ cấu căn hộ, diện tích, giá thành... “Chúng tôi ứng 80 tỷ đồng đầu tư vào dự án. Do gặp khó khăn về tài chính nên phải dừng lại”, ông Diệp nói.

 

Ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, ngân sách thành phố hạn hẹp nên việc xã hội hóa nhà TĐC được mở rộng nhằm tăng số lượng nhà đưa vào sử dụng. Nhiều chủ đầu tư bỏ tiền xây tòa nhà và được phép chuyển đổi mục đích phần còn lại sang thương mại, số còn lại vẫn bán cho đối tượng TĐC.

 

“Việc một số chủ đầu tư dù đã dành số căn hộ xây dựng cho TĐC nhưng lại chuyển sang bán rộng rãi phải được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội. Trong bối cảnh khó khăn, khó tránh khỏi chủ đầu tư cạn tiền triển khai tiếp dự án khiến nhiều dự án nhà TĐC không được đưa vào sử dụng”, ông Đạm nói.

 

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ, nói: “Không phải tự dưng Hà Nội quy định những dự án thương mại phải bố trí nhà ở TĐC bên cạnh nhà ở thương mại. Điều này giúp người dân lâu nay ác cảm về nhà TĐC nhếch nhác có cái nhìn khác về nhà TĐC.

Mục tiêu của chính quyền Hà Nội nhằm giúp người ở TĐC hưởng hạ tầng tốt. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư tìm đủ mọi cách để biến đổi sang các loại hình nhà ở khác, khiến mục tiêu ban đầu thất bại. Điều này do lỗi của những người phê duyệt chuyển đổi”.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo