Thị trường

Bloomberg: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của một quốc gia châu Á khác là Việt Nam. Đây được xem như một dấu hiệu nữa cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Bloomberg dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy trong suốt 15 năm, Mỹ đã giữ vai trò là thị trường lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng đến năm 2017, Mỹ đã không còn duy trì được vị trí này, khi Trung Quốc nổi lên thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Sự dịch chuyển này càng được củng cố trong năm nay, khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong quý 1 tăng 33,5%, so với mức tăng 20% đối với thị trường Mỹ - theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chủ trương hướng nội bằng cách theo đuổi các chính sách bảo hộ thương mại, Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại bằng cách tăng cường thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á - Bloomberg nhận định.

"Trung tâm thương mại của châu Á rõ ràng đã dịch chuyển từ Mỹ về Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Eugenia Victorino thuộc ngân hàng ANZ ở Singapore nhận định. "Chủ nghĩa bảo hộ thương mại không mang lại lợi ích và các nước châu Á sẽ ngày càng nhận ra rằng trong vấn đề thương mại, Trung Quốc giờ đây có sức nặng lớn hơn".

Trong vòng một thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều nền kinh tế châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Ấn Độ là một trong số rất ít các quốc gia còn lại ở khu vực mà Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Theo dữ liệu của IMF, trong vòng 10 năm tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng khoảng 15 lần, đạt mức 50,6 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ tăng khoảng 4 lần, đạt 46,5 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên thành một công xưởng sản xuất, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ tăng hơn 13% mỗi năm từ 2018-2020, nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào lĩnh vực chế tạo.

 

Cũng theo WB, nhờ đó kinh tế Việt Nam sẽ giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% cho tới năm 2020, một mức tăng vào hàng mạnh nhất thế giới.

Với kim ngạch xuất khẩu tương đương gần 100% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2017, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Để tránh rủi ro này, Việt Nam đang theo đuổi thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Nhật Bản và nhiều nước châu Âu, đồng thời đã cùng 10 nước ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11, hồi tháng 3.

"Việt Nam thực sự cần phải đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định. "Việt Nam đang làm tốt, rất tích cực trong việc ký kết các FTA. Với TPP 11, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng để gặt hái những lợi ích từ thỏa thuận".

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo