Tin tức - Sự kiện

Bộ Chính trị bàn về phát triển kinh tế tập thể

Để kinh tế tập thể phát huy hiệu quả cần nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển

Chiều 20/12, tại Văn phòng Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Báo cáo của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 5, khóa 9 cho thấy, 10 năm qua khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực.

Kinh tế tập thể đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém, củng cố một bước về tổ chức, nâng cao năng lực, lợi ích của các thành viên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị của địa phương và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đến nay, cả nước có trên 370.000 tổ hợp tác, thu hút khoảng 3 triệu thành viên; khoảng 19.500 hợp tác xã, 54 liên hiệp hợp tác xã, thu hút khoảng 10 triệu xã viên và tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động.

Theo tổng hợp, 100 hợp tác xã được trao tặng cúp vàng “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng” năm 2012 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có tổng số vốn là 9.313 tỷ đồng, bình quân một hợp tác xã có số vốn 93 tỷ đồng, doanh thu đạt 27.906 tỷ đồng, nộp ngân sách 368 tỷ đồng.

Trong điều kiện hoạt động khó khăn của năm 2011, cả nước có hơn 85% số hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có lãi, có hơn 7.900 hợp tác xã được xếp loại khá, chiếm 40,8%, 8.342 hợp tác xã trung bình, chiếm 42,8%, 3.204 hợp tác xã yếu kém, chiếm 16,4%.

Từ năm 2002 trở lại đây, các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi đã từng bước khắc phục được tình trạng thua lỗ kéo dài, tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống của các xã viên.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho thấy, thời gian qua, các cơ quan của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị đã nghiêm túc, nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đã 2 lần sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách, biện pháp đổi mới, phát triển hợp tác xã.

Trong 10 năm qua, cả nước có hơn 9.600 hợp tác xã mới được thành lập. Nếu như cuối năm 2001 cả nước chỉ có 12 liên hiệp hợp tác xã thì đến nay đã có 54 liên hiệp hợp tác xã, thu hút trên 1.500 hợp tác xã tham gia.

Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động trở thành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của các thành viên, xã viên.

Liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác bước đầu được tăng cường. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là ở vùng nông thôn, đã tạo việc làm cho hơn 12 triệu xã viên và người lao động.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến nhất định.

Sau khi Luật Hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung đã góp phần cho các hợp tác xã phát triển, thực tế đã có nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Kinh tế tập thể chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, không đạt được mục tiêu đề ra; Nhiều hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, yếu kém, năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực hợp tác xã còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, chính sách đối với cán bộ hợp tác xã còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua của kinh tế tập thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Hợp tác xã 2003 sửa đổi; ban hành các văn bản dưới luật kịp thời, đồng bộ, khả thi; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tăng cường kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Để nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể trong thời gian tới, các cấp các ngành cần tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, đồng thời với việc hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, các cơ quan này phải phối hợp nghiên cứu xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề và vùng miền, từ đó nhân rộng những mô hình thành công, làm đến đâu chắc đến đó.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm, sát sao hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết và Luật Hợp tác xã. /.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo