Bỏ con dấu doanh nghiệp: Làm càng sớm càng tốt!
Quốc hội đang thảo luận sửa đổi hàng loạt dự án luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể, tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, một nội dung được nhiều DN quan tâm là việc sẽ bỏ con dấu DN. DN được tự làm con dấu và đăng ký con dấu đó với cơ quan quản lý.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng nay (10/11), PV đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nội dung này.
PV: Theo ông, việc bỏ con dấu DN nên áp dụng từ khi nào?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Chúng ta nên áp dụng ngay khi Luật DN sửa đổi có hiệu lực. Đấy cũng là một trong những nội dung của cải cách các thủ tục hành chính cho DN. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như IFC, họ cho rằng nếu chúng ta cải cách được các thủ tục con dấu thì việc nâng hạng của VN trong đầu tư sẽ nâng rất cao, bởi thủ tục hiện nay rất phức tạp.
Trong dự án luật đưa ra giải pháp tương đối phù hợp với điều kiện nước ta, tức là quy định có những trường hợp DN không phải sử dụng con dấu. Nếu đối tác không yêu cầu thì ta không phải dùng con dấu.
Nhưng trong một số trường hợp, vì một lý do nào đấy cần có xác nhận tính xác thực của DN đối với một nhân thân nào đấy, cán bộ nào đấy, nhân viên nào đấy… phải có con dấu thì DN phải dùng con dấu. Trong dự án luật cũng quy định DN có thể có nhiều con dấu.
PV: Chúng ta có lường hết được những tình huống sẽ xảy ra khi không dùng con dấu không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Trường hợp nào trong lĩnh vực nào cũng có người lạm dụng quy định để giả mạo chứ không chỉ mình con dấu. Vì thế mình phải quản lý bằng cách khác. Trước hết là DN phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh mẫu con dấu và phải công bố mẫu con dấu ấy trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang đăng ký DN. Cơ quan công an có thể căn cứ vào mẫu đó để kiểm soát việc giả hay không giả.
PV: Theo ông, mức độ sẵn sàng của các cơ quan quản lý trong việc bỏ con dấu thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì rất sẵn sàng, tinh thần của Bộ trưởng là ủng hộ cải cách. Bộ công an thì trong dự án Luật Công an vẫn có quy định “Bộ Công an quản lý con dấu theo quy định của pháp luật”. Pháp luật ở đây có thể hiểu là theo quy định của Chính phủ. Con dấu ở đây có thể hiểu là của cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Tôi cũng đã có lần báo cáo với Thủ tướng, nếu ta cần phân loại thì Bộ Công an quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức. Vì nó yêu cầu về an ninh thì họ quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức nhưng con dấu của DN thì không nhất thiết Bộ Công an phải quản lý mà có nhiều biện pháp khác.
PV: Vậy có nghĩa DN sẽ hoàn toàn không phải sử dụng gì đến con dấu, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Quan điểm của Thủ tướng, cộng đồng DN cũng muốn bỏ con dấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến là phải tính đến điều kiện của Việt Nam. Cho nên, trong dự án luật cũng thể hiện con dấu là dấu DN, có nghĩa là cho DN được tự quyết định vấn đề đó, quyết định hình thức, nội dung và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để thông báo với họ tôi có con dấu như vậy.
Thế giới cũng có những DN vẫn dùng con dấu, có những nước vẫn dùng con dấu và họ yêu cầu phải có con dấu. Trong trường hợp đó, DN vẫn phải dùng con dấu của mình. Như vậy, chúng ta phải rất linh hoạt.
Hoặc là pháp luật quy định có những trường hợp quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu, ví dụ như có những trường hợp xảy ra phải sử dụng con dấu để đảm bảo an toàn, bí mật như có người đến DN yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến DN. Hoặc cơ quan nhà nước yêu cầu DN cung cấp thông tin về nhân sự hoặc một số thông tin khác. Có nghĩa là những trường hợp này phải sử dụng con dấu. Nhưng những trường hợp nào phải sử dụng con dấu thì Nhà nước sẽ quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, mình từ chỗ khó khăn, chặt chẽ lại muốn nới cái “rụp” thì đó là cái lo. Không phải chỉ mình mà DN lo, lo giữa cái thật và cái giả, giữa DN đang hết sức mình đóng góp với DN “ma”, nó sẽ trộn lẫn nhau. Do đó, việc con dấu có thể không cần DN phải làm thủ tục đăng ký nhưng DN phải có con dấu, con dấu đó do DN trực tiếp chịu trách nhiệm và chỉ nên có một con dấu. DN phải đăng ký con dấu đó và chịu trách nhiệm về con dấu. DN có thể tự lựa chọn kiểu dáng, màu sắc con dấu nhưng phải có sự đăng ký, quản lý để sau này tránh bị làm giả.
Ngay cả vấn đề về người đại diện, bây giờ mình qui định một DN có quá nhiều người đại diện, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… chỗ nào cũng có người đại diện. Nếu cùng lúc ký một hợp đồng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây? Hoặc khi có chuyện xảy ra thì vai trò người đứng đầu thể hiện chỗ nào. Việc qui định người đại diện, đứng đầu như vậy rất nguy hiểm, chỉ nên qui định 1 hoặc 2 người được ủy quyền, và phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.
Chúng ta không nên bị áp lực là phải tăng điểm trong bảng xếp hạng. Vì tăng mà sau đó quản lý không được thì còn tụt nữa. Phải chăng mình đang chạy điểm để tăng điểm rồi sau đó mình lên mà quản lý không được thì dẫn đến quá tải. Không nên từ chỗ đang quản lý chặt chẽ mà buông lỏng, nhẹ tay. Ở các nước thì chặt chẽ ngay từ đầu nhưng sau đó rất nhẹ nhàng. Còn mình, ban đầu rất nhẹ nhàng, sau đó có một số báo cáo, phản hồi thì mới siết lại. Cho nên, chúng ta phải làm chặt chẽ từ khâu cấp phép thành lập DN, đăng ký, con dấu, người đại diện. Mình đừng nghĩ, sửa như vậy sẽ tăng điểm. Quan điểm của tôi, tăng điểm là cần thiết nhưng giữ điểm mới quan trọng. Cho nên, thà rằng, điểm của mình đang thấp, mình đang cố gắng chặt chẽ để lên điểm cao.
DN được phép tự làm con dấu nhưng phải đăng ký con dấu đó giống như đăng ký thương hiệu nếu không các đối tác sẽ không biết đó là giả hay thật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo