Bỏ đề xuất tăng lương nhà giáo và miễn học phí THCS
Cần phương án tổng thể về lương và phụ cấp
“Nghị quyết T.Ư 8 khóa 2 năm 1996 đã có câu “lương giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp”. Nhưng trên 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Do đó theo tôi, ngoài đề xuất lương cao nhất, cần có thang bảng lương riêng cho giáo viên bởi đây là ngành đặc thù”.
Đó là ý kiến mà GS. VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất tại buổi góp ý sửa đổi một số điều Dự thảo Luật Giáo dục trước đây.
Không riêng GS Đào Trọng Thi mà hàng triệu giáo viên cũng bày tỏ ý kiến mong mỏi được tăng lương trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vấn đề tăng lương cho nhà giáo sẽ không được đề cập trong dự thảo luật, cũng như trong tờ trình mà Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/3 vừa qua.
Nguyên nhân, do vấn đề này không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Theo văn bản góp ý của Bộ Nội vụ về đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” của Bộ GD-ĐT, thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.
Do đó theo Bộ Nội vụ, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
“Hiện nay, Ban Chỉ đạo T.Ư về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị T.Ư 7 khóa 12. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại khoản 23 điều 1 dự án luật”, Bộ Nội vụ góp ý.
Còn theo Bộ Tài chính, hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá hệ thống thang bảng lương, phụ cấp đối với từng ngành, lĩnh vực, khu vực.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, trình Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành, nghề khác trong giai đoạn tới.
Miễn học phí THCS không khả thi
Về đề xuất “miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập”, văn bản góp ý của Bộ Tài chính cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi.
Đề nghị Bộ GD-ĐT không đưa nội dung này vào dự thảo luật, đồng thời chỉ xem xét quy định học sinh THCS không phải đóng học phí từ sau năm 2020 khi bắt đầu triển khai giáo dục bắt buộc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Bộ Nội vụ cũng cho rằng, đề xuất miễn học phí THCS chưa phù hợp với quy định tại các nghị quyết của Đảng và làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước khó khăn.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án về việc miễn học phí đối với cấp THCS cho phù hợp với quy định nêu trên của Đảng và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Sinh viên Sư phạm không được miễn học phí
Về vấn đề miễn học phí cho sinh viên Sư phạm, theo nhiều chuyên gia, nên thay bằng hình thức khác. GS Đào Trọng Thi trước đó đã cho rằng, không thay đổi việc miễn giảm mà mà thay vào đó bằng hình thức vay tín dụng ưu đãi. Nếu em nào hoạt động trong ngành giáo dục thời gian bao nhiêu năm thì không trả lại còn nếu không thì phả trả lại.
Trong Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3, vấn đề này đã được sửa đổi. Theo đó, không quy định miễn học phí đối với HS, SV Sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
Học sinh, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm và giao Chính phủ quy định cụ thể về chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với HS, SV khối ngành này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo