Bộ GD-ĐT đổi mới trước tham vọng 20.000 tiến sĩ?
Bộ GD-ĐT nêu chỉ tiêu đến năm 2020 phải đạt 20.000 tiến sĩ để đáp ứng nhu cầu đổi mới, trong khi đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định để có giáo sư đúng cả về trình độ lẫn phẩm cách thì ngành giáo dục phải đổi mới. Mà đổi mới ngay từ Bộ GD-ĐT.
Tăng tiến sĩ, tăng chất lượng?
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh tất cả các hệ đào tạo đều giảm so với năm 2012, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ tăng 9,3%.
Do đó, trong năm 2014, tỷ lệ đào tạo tiến sỹ sẽ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu thạc sỹ tăng 5% so với chỉ tiêu năm 2013 để phục vụ cho mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là đào tạo 20.000 tiến sỹ năm 2020.
"Việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ trong những năm gần đây là phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ", ông Nguyễn Ngọc Vũ- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ GD-ĐT cho biết.
Tuy nhiên, mục tiêu 20.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT liệu có khiến chất lượng nguồn nhân lực của các sinh viên khi ra trường được nâng lên, khi thực tế Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có nhiều tiến sĩ nhưng rất ít công trình nghiên cứu.
Thực tế này đã được Phó tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San chia sẻ: "“Tình hình khoa học, giáo dục nước nhà rất cấp bách”.
Đã không có một trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một đại học Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á.
Và đánh giá của Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) đã chứng minh điều này.
Theo đánh giá của EuroCham, bà Nicola Connolly, Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo, trích dẫn các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%.
Đó là về số lượng. Tình hình càng bi đát hơn khi theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin - Truyền thông quốc gia, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Tình hình cũng không sáng sủa gì hơn đối với một lĩnh vực quan trọng khác là du lịch và nhà hàng - khách sạn.
Giáo dục đào tạo ngược, Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới
Bất cập trong đào tạo giáo dục từng được bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước chỉ ra: "Giáo dục nước ta đang có những quy trình đào tạo ngược, vô lý và khúc mắc trong nhiều khâu. Đặc biệt là ở chương trình đào tạo ĐH".
Bà Bình cho biết, không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua.
Cũng theo bà Bình, trước đây ngành giáo dục đã có chủ chương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra”. Quy trình này được đánh giá là rất hợp lý, phù hợp với một nền giáo dục tiên tiến nhưng nó đã bị gỡ bỏ và các ĐH – CĐ đang thực hiện quy trình đảo ngược: “Thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”.
Tuy nhiên, trong năm học này, các trường đã nới lỏng cả đầu vào nhưng vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu sinh viên và nguy cơ đóng cửa một số ngành đào tạo. Do đó, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục.
Vấn đề đổi mới giáo dục cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như một yêu cầu cấp bách tại hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 khóa 11 và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 28/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu sự cấp bách của việc đổi mới giáo dục. "Phải nhìn nhận khoảng cách của chúng ta với các nước trong ASEAN vẫn chưa thu hẹp được, một số quốc gia bị chững lại nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa thể bắt kịp.
Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân, một sự thay đổi nhỏ không phù hợp sẽ liên quan đến tương lai của một đời người và cộng lại là nhiều năm đối với tương lai của một dân tộc".
Cùng với việc khẳng định sự cấp bách phải đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Bộ GD-ĐT phải tiên phong trong đổi mới quản lý giáo dục.
Hiện nay chúng ta, ai đó vào trường nhưng học có khi rất là kém nhưng bằng cách này cách nọ vẫn tốt nghiệp được. Nếu ra ngoài xã hội anh không cần bằng cấp gì, anh có trình độ thật sẽ được trọng dụng thì mọi người sẽ bớt chạy theo. Tất cả những cái này đồng ý là liên quan với nhau, đồng ý không phải chỉ có ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm và phải làm được nhưng dù sao ngành giáo dục vẫn là người có trách nhiệm chính.
“Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử là phải thay đổi quản lý giáo dục. Tôi đề nghị cần đổi mới ngay công tác này tại Bộ GD-ĐT đầu tiên. Bây giờ làm cái này rất thuận lợi vì chúng ta đã có Nghị quyết, có Luật có các Nghị đinh đang được hoàn thiện. Xã hội đang trông chờ Bộ đổi mới cái này. Bộ mà đổi mới theo đúng nghĩa của nó thì một số trường ĐH cũng sẽ bị đụng chạm rất lớn, Bộ phải sẵn sàng chấp nhận điều đó” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo