Bộ Giáo dục chủ động "thả" 3 trường đại học cho được tự quản
23 cơ sở giáo dục được tự chủ
Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; cơ chế giám sát.
Bộ GD&ĐT cho biết, khi thực hiện tự chủ, các thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định liên kết đào tạo được rút ngắn hơn đã giúp các trường chủ động, tận dụng cơ hội đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội.
Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động tái cấu trúc bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng nhân sự: lực lượng giảng viên tăng lên, đội ngũ lao động gián tiếp giảm xuống, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị từ thạc sĩ trở lên tăng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Đặc biệt, các trường tự chủ đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ hỗ trợ sinh viên nhờ việc được tự chủ học phí và tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao. Thu nhập của đa số người lao động tăng lên so với giai đoạn trước khi tự chủ.
Đề nghị thay thế Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc tự chủ vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, cụ thể: Một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, hình thức hoạt động của Hội đồng trường chủ yếu bằng các cuộc họp, vai trò giám sát của Hội đồng trường khá mờ nhạt, nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội đồng trường phục thuộc vào kinh phí của nhà trường do Hiệu trưởng quyết định.
Các nguồn thu từ học phí, lệ phí vẫn là nguồn thu chính của các trường tự chủ, chiếm trên 70% tổng thu của các trường, điều này là rủi ro khi nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh.
Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/7/2016 của Chính phủ đã quy định về miễn giảm thuế lãi tiền gửi ngân hàng, các hoạt động đào tạo ngắn hạn… nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành về các chính sách này.
Bên cạnh đó, mặc dù được quyền quyết định đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp nhưng việc phê duyệt chủ trương và các thủ tục đầu tư vẫn phải trình đơn vị chủ quản theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.
Bộ GD&ĐT thừa nhận, cơ chế “cơ quan chủ quản” thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường. Nghị quyết 77 với tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của Hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản nhưng chưa thực hiện được.
Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã chủ động yêu cầu 03 cơ sở giáo dục đại học (Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GDĐT), trình Bộ GD&ĐT trong tháng 5/2018 để báo cáo Chính phủ phê duyệt.
Để đẩy mạnh tự chủ đại học, giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa quyền tự chủ để phát triển, Bộ GD&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất