Bộ Giáo dục đưa ra phản hồi về mức tăng học phí 50,5 triệu đồng
Theo tin tức trên báo Người Lao Động, trong văn bản gửi báo chí ngày 25/10, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay một số báo đưa về mức học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2020 - 2021 là căn cứ vào dự thảo lần 1 do Bộ GD-ĐT trình Chính phủ từ ngày 8-9-2016. Đây là thông tin không còn cập nhật. Được biết cho đến nay, đây là dự thảo duy nhất được công bố chính thức.
Theo ông Khánh, việc một số báo đưa tin về mức học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 là căn cứ vào dự thảo lần 1 được trình Chính phủ từ tháng 9-2016.
Trước đó, một số cơ quan báo chí đưa tin về dự thảo nghị định nói trên quy định học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 đều tăng tùy theo mức độ tự chủ của các trường. Trong số đó, đến năm học 2020-2021, ở các trường đại học tự chủ, học phí mỗi sinh viên phải đóng hàng tháng sẽ từ 2,05-5,05 triệu đồng tùy nhóm ngành đào tạo. Điều đó có nghĩa là nếu tính một năm học gồm 10 tháng thì mức học phí sinh viên phải đóng tương đương 20,5-50,5 triệu đồng.
Cũng theo thông tin này, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại học ở trường chưa thực hiện tự chủ đến năm 2020-2021 là từ 980.000 đồng đến 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng tùy từng nhóm ngành đào tạo. Theo dự thảo này, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả cơ sở giáo dục ĐH công lập (trừ các trường ĐH xuất sắc và hệ thống trường chính trị). So với học phí trường đại học công lập chưa tự chủ hiện nay 7,4-10,7 triệu đồng/năm học 2017-2018, mức học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần. Với trường được tự quyết định mức thu để bù đắp hoàn toàn các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí có thể còn cao hơn nữa. Vì vậy, học phí các trường có thể tăng đến mức 20,5-50,5 triệu đồng/năm.
Theo báo Zing News, ngày 8/6, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo Nghị định lần 2. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo mới nhất này không có nội dung về khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập như một số báo đã đưa tin.
Theo đó, hiện tại, dự thảo nghị định này đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền và ông Khánh nói rằng sau khi Chính phủ ban hành, Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí.
Theo dự thảo lần 2 mà Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ thì "giá dịch vụ giáo dục đại học của chương trình đào tạo đại trà theo phương thức chính quy và giáo dục thường xuyên do cơ sở giáo dục đại học tự quyết định theo quy định của pháp luật về giá. Cơ sở giáo dục đại học phải công khai mức thu học phí của từng năm học và dự kiến cho cả khóa học trước khi tuyển sinh". Ở dự thảo này, nội dung quy định mức khung học phí theo từng loại hình trường căn cứ theo mức độ tự chủ về tài chính đã không còn.
Nếu Nghị định này được Chính phủ thông qua, 100% các trường đại học công lập được phê duyệt đề án tự chủ, mức học phí đại học cũng sẽ tăng lên. Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định rất rõ về mức trần học phí đại học từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 với cả trường chưa thực hiện tự chủ và đã được tự chủ toàn diện. Theo đó, mức học phí sẽ chênh lệch khá cao.
Trước đó, vào tháng 7, ĐH Y khoa Phạm Ngọc, TP.HCM, thông báo mức học phí dự kiến năm học 2017-2018 tăng lên gấp đôi từ tháng 1/2018. Mức học phí dành chung cho tất cả sinh viên (không kể vùng miền) ở các ngành đào tạo từ 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt cao nhất với 4,4 triệu đồng/tháng. Hai ngành này đào tạo 6 năm hệ chính quy. Tháng 7/2016, nhiều sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân phản ánh về học phí năm học 2016-2017 của trường tăng gần 30% so với năm ngoái. Theo đó, mức học phí của các nhóm ngành 1-2-3 (nhóm ngành hot) lần lượt là 12 triệu/năm đến 14,5 triệu/năm và 17 triệu/năm. Trong khi đó, mức học phí của năm ngoái chỉ là 9,5 triệu/năm đến 11,5 triệu/năm và 13,5 triệu/năm.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo