Bộ Giáo dục sắp công bố chương trình môn học, lùi 1 năm triển khai
Dự thảo chương trình môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được công bố để xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước ngày 12/1/2018; triển khai chương trình mới đối với lớp đầu cấp tiểu học từ năm học 2019-2020… là những thông tin mới nhất về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị giám đốc các sở giáo dục và đào tạo cả nước về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trong đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu một số đơn vị tổ chức cho giảng viên sư phạm, giáo viên phổ thông và chuyên gia của các hội chuyên ngành, các nhà khoa học tiếp tục góp ý để hoàn chỉnh dự thảo các chương trình môn học, đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến nhân dân trước ngày 12/1/2018.
Vụ Giáo dục trung học và Vụ Giáo dục tiểu học chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tuần tự trong từng cấp học:
Từ năm học 2019-2020 đối với lớp học đầu cấp của tiểu học, năm học 2020-2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở và 2021-2022 với lớp đầu cấp trung học phổ thông.
Mặt khác, hai Vụ nói trên cũng chủ trì trong việc hoàn thành các văn bản quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; hướng dẫn chọn sách giáo khoa để dạy và hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày của giáo dục tiểu học… trước ngày 30/4/2018.
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ phải chủ trì xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng;
Quy trình chọn giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm… trước ngày 31/1/2018.
Trong khi đó, các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu đội ngũ giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6/2018.
Đáng chú ý, để bảo đảm các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục sẽ điều chỉnh Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Đề xuất nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện đề án, kiến nghị Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư cùng chính quyền địa phương ưu tiên bảo đảm bố trí ngân sách để thực hiện đúng lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa…
Như vậy, việc triển khai năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp tiểu học, lộ trình thực hiện trình, sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ phải lùi một năm so với trước đây (thay vì thời gian lùi tối đa hai năm theo Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội).
Theo ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, việc thực hiện lộ trình áp dụng từ năm học 2019-2020 thể hiện quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình biên soạn, áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước