Tin tức - Sự kiện

Bộ GTVT đúng, tất cả đều sai hay tất cả đều đúng, Bộ GTVT sai?

90% dự án trọng điểm nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc, công trình đội vốn, nhà thầu năng lực kém...vẫn trúng thầu khiến ĐBQH "nóng mặt".

Không bình thường?

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm khẳng định dù bất kỳ với nhà thầu nào có sai phạm cũng phải xử lý nghiêm minh để tạo lòng tin, tạo môi trường bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài khi tham gia đầu tư vào Việt Nam.
 
Thế nhưng, thời gian vừa qua, hiện tượng hàng loạt các dự án do tổng thầu Trung Quốc thi công bị kéo dài thời gian, đội giá, chất lượng có vấn gây bức xúc trong dư luận đã không được xử lý một cách triệt để.
 
90% dự án do Tổng thầu Trung Quốc đảm nhiệm là không bình thường
 
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm yêu cầu phải xem xét lại có hay không Bộ GTVT đang bao che, che dấu thông tin?
 
Ông khẳng định, việc nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá thấp rồi đồng loạt xin vượt giá là điều không bình thường, không thể được chấp nhận.
 
Bởi hiện tượng này không còn là hiếm mà nó đang dần trở thành phổ biến và ai cũng biết. Như thông tin của một ĐBQH đã gửi văn bản xin được chất vấn Thủ tướng nêu ra với những con số cụ thể, chi tiết. Đại biểu này dẫn số liệu từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tính đến năm 2010 có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
 
Trong đó, nhiều trường hợp chậm trễ, kéo dài thời gian thi công rồi yêu cầu chủ đầu tư bù giá làm đội vốn đầu tư. Ví dụ: nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
 
Đáng chú ý là trong số chậm trễ đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện…
 
Bản thân Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng phải chỉ mặt hàng loạt các DN năng lực kém, trong đó có nhiều tên công ty của Trung Quốc bị xướng tên. Đáng nói các công ty này đều đang đảm nhiệm nhiều công trình trọng điểm của chúng ta.
 
Vậy đó là hiện tượng gì? Tại sao kiểm tra tất cả vẫn minh bạch? Vị đại biểu này cho rằng ở đây có hai vấn đề một là Bộ GTVT đúng, tất cả đều sai và hai là tất cả đều đúng, Bộ GTVT sai?
 
Ngay cả khi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng chỉ ra, tình trạng thông thầu và điều chỉnh tăng giá đang trở thành phổ biến tại các dự án xây dựng.
 
Ông đặt câu hỏi: “Chúng ta thử tìm xem có công trình xây dựng, công trình giao thông nào mà không đội giá? Công trình cứ dây dưa kéo dài để điều chỉnh giá. Đội giá vô cùng lớn khiến giá các công trình giao thông, xây dựng thuộc dạng đắt nhất thế giới.
 
Nếu để thông thầu được là có tiêu cực tham nhũng", vậy nhưng vẫn được Bộ GTVT khẳng định tất cả đều minh bạch. "Minh bạch này phải được hiểu như thế nào"?, ông Cao Sỹ Kiêm đặt câu hỏi.
 
Vấn đề thứ hai, ông Kiêm đặt ra là luồng vốn FDI của Trung Quốc thực tế đầu tư vào Việt Nam rất thấp. Nhưng các lĩnh vực Trung Quốc đầu tư đều là lĩnh vực kinh tế trọng điểm như điện, khoáng sản và những ngành sản xuất.
 
Vị trí đầu tư cũng là những vị trí trọng điểm như Tây Nguyên, Vũng án. Ông Kiêm cho rằng việc này "có vấn đề", đây là một sơ hở lớn trong công tác điều hành quản lý. Cụ thể là do cách lựa chọn nhà thầu theo cơ cấu ngành nghề khi tham gia đấu thầu.
 
Thứ hai là do quản lý của chúng ta còn hạn chế, lỏng lẻo. Cụ thể là đấu thầu chỉ căn cứ vào giá, không căn cứ vào kỹ thuật, chất lượng mà về giá thì không một nhà thầu nào vượt qua được Trung Quốc.
 
Từ thực tế trên, vị ĐBQH này kiến nghị, cần thiết phải có phương án cụ thể nhằm đánh giá lại hiện trạng hiện nay.
 
Thứa nhất là: Xem xét lại thể chế, phương pháp đấu thầu; thứ hai, là khâu quản lý; thứ ba là quá trình thực thi pháp luật.
 
Ban Nội chính sẽ vào cuộc...
 
Chỉ thẳng hiện tượng trên là phổ biến, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp cho biết, rất nhiều dự án bị đội thầu đều nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc.
 
Đại biểu này nhận định, đây là chiêu quen  thuộc của tổng thầu Trung Quốc, bỏ thầu giá thấp, khi thực hiện thi công, các công trình luôn bị kéo dài thời gian, chất lượng kém rồi chờ thời cơ xin đội vốn.
 
"Hiện tượng này là có và phải khẳng định lỗi là do mình, do quản lý không triệt để, nhất quán. Trách nhiệm này thuộc về trực tiếp là các chủ đầu tư rồi đến những cơ quan quản lý quyết định đầu tư cụ thể là Bộ GTVT, Xây dựng, KHĐT", đại biểu Tiếp nói.
 
Ông cũng cho biết, hiện tượng này mặc dù đã được phản ánh và trở thành phổ biến nhưng các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng dường như không có hiệu quả. Vấn đề này khiến ông lo ngại, ông cho rằng nếu không có một biện pháp triệt để, minh bạch thì sẽ tạo thành tiền lệ cho các dự án khác, tổng thầu khác.
 
Về phía Ban Nội chính Trung ương, khi được hỏi về sự vào cuộc của đơn vị này khi có những dấu hiệu phản ánh tiêu cực trong các dự án bị đội vốn, ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết: "khi cần Ban Nội chính sẽ vào cuộc".
 
Theo ông Khánh, chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Nội chính TƯ không phải là đi làm những vụ việc cụ thể mà nó thuộc nhiệm vụ các cơ quan có chức năng tố tụng, đặc biệt là các cơ quan điều tra viện kiểm soát, tòa án. Thậm chí với những thông tin chưa có cơ sở thì cơ quan thanh tra, kiểm toán...sẽ vào cuộc trước.
 
Khi có thông tin chính xác, Ban Nội chính cũng theo dõi, giám sát khi thấy cần thiết thì Ban nội chính sẽ vào cuộc.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo