Thị trường

Bộ KHĐT bác bỏ kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế Hà Tĩnh

Bộ KH-ĐT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ sự không đồng tình với kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng.

Hoạt động bên trong dự án của Formosa sau biến cố tháng 5. Ảnh: Báo Hải Quan

Không đồng tình

Trong văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho ý kiến về các đề xuất của Formosa Hà Tĩnh, trong đó có vấn đề thành lập khu kinh tế đặc thù riêng cho dự án Formosa, theo tin từ báo Hải Quan.
 
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện tại dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai... áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế (bao gồm ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được).
 
Các kiến nghị khác của công ty áp dụng cho dự án (bảo hộ ngành thép, kinh doanh tàu lai dắt...) đang được các bộ, ngành xem xét giải quyết.
 
Ngoài ra, việc Formosa đề nghị hình thành Ban quản lí đặc thù trực thuộc Văn Phòng Chính phủ là chưa có tiền lệ và không cần thiết.
 
Bởi vì hiện tại đã có Ban quản lí khu kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai dự án Formosa theo cơ chế "một cửa, tại chỗ".
 
Theo dự thảo Điều lệ của Công ty Formosa về quản lí đặc khu kinh tế gang thép, ngoài các ưu đãi công ty được hưởng cao nhất đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế và các ưu đãi khác đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Formosa còn kiến nghị đặc khu được áp dụng các quy định ưu đãi đặc thù như:
 
Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong suốt thời gian kinh doanh của dự án; được Chính phủ bảo hộ ngành thép; miễn thuế đối với khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài; kinh doanh tàu lai dắt và đề xuất thành lập Ban quản lí đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ và do các Bộ trưởng các bộ liên quan tham gia để quản lí đặc khu.
 
Thậm chí, đề nghị được cắt đất để bán lâu dài cho nhân viên” mà Formosa dự kiến số lượng nhân viên cao nhất đạt 15.000 người, nếu tính cả thân nhân của họ là khoảng 60.000 người như một thị trấn gần đặc khu.
 
Liên quan đến vấn đề bảo đảm đầu tư, doanh nghiệp đặt điều kiện nếu vì mục đích an toàn quốc phòng mà phải thu hồi đất đặc khu, Ban quản lý và phía đầu tư trước khi thu hồi phải thảo luận vấn đề bồi thường để đi đến thống nhất ý kiến.
 
Đồng thời, nếu xảy ra các cuộc bạo động mà không phải do chủ quan từ phía nhà đầu tư, dẫn tới tổn thất kinh doanh và tài sản, toàn bộ sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm bồi thường.
 
Kiến nghị bất thường
 
Trước những đề nghị của Formosa, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là một đề xuất không bình thường của nhà đầu tư và nó không phù hợp với khung pháp luật của Việt Nam hiện nay. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải có cách xử lý rất đặc biệt. Nếu như xử lý cho trường hợp này thì những trường hợp khác sẽ như thế nào?
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng lên tiếng khẳng định, Chính phủ không nên đáp ứng yêu cầu này, bởi nếu như vậy sẽ tạo thành một tiền lệ cho những kiến nghị tương tự của những nhà đầu tư khác. Như vậy, vô hình chung Việt Nam sẽ có nhiều đặc khu.
 
Ở góc độ từng là nhà quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ cần rất thận trọng với đề xuất của nhà đầu tư.
 
"Bởi việc hình thành đặc khu và trong đặc khu thành lập ban quản lý trực thuộc Văn phòng Chính phủ như đề xuất của Formosa theo ông Thắng là điều không thể.
 
Vì như thế, ngay cả chính quyền địa phương nơi có đặc khu này cũng không thể có bất cứ can thiệp nào và công tác quản lý của nhà nước sẽ khó thực hiện", ông Phan Hữu Thắng nêu quan điểm với báo chí.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo