Tin tức - Sự kiện

Bộ máy nhà nước cần phục vụ doanh nghiệp

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định 2015 sẽ phải là năm của doanh nghiệp, cần tạo thuận lợi và tăng sức mạnh cho doanh nghiệp nội địa trước ngưỡng cửa hội nhập.

 Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định năm 2015 phải là năm của doanh nghiệp. Ảnh: HT


Trao đổi với báo chí trước thềm năm mới Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định khu vực tư nhân sẽ cần được ưu tiên hơn để trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế. Muốn như vậy, phải có những cải cách mạnh mẽ hơn trong nhận thức cũng như hành động để đem lại hiệu quả cao.

- Năm 2015, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của hai bộ luật trên đến nền kinh tế?

- Sau 10 năm thực thi, việc Chính phủ sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong bối cảnh mới là nhu cầu cấp thiết, nhận được sự quan tâm lớn ở cả trong và ngoài nước vì liên quan trực tiếp đến đầu tư, kinh doanh và mô hình tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.

Trước đây, pháp luật cho phép doanh nghiệp được làm gì mới làm, dẫn đến nảy sinh cơ chế xin cho. Với hai bộ luật mới sửa đổi, doanh nghiệp sẽ được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, tạo sự minh bạch, rõ ràng và giảm chi phí tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp xuống mức thấp nhất. Không phải nhiều nước dám tiếp cận cách thức này, bởi nếu không lường hết vấn đề phải cấm thì sẽ để lọt, gây hậu quả nghiệm trọng.

Khi hai luật này có hiệu lực từ 1/7/2015, tôi tin rằng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần rất nhiều chế tài quản lý chặt chẽ hơn để những thông thoáng này không bị lợi dụng, làm tổn hại đến kinh tế đất nước.

- Từ chỗ xây dựng luật đến khi thực thi vẫn là khoảng cách dài, Bộ trưởng quan ngại gì về những trở ngại sắp tới?

- Cũng có trường hợp một số luật khi xây dựng thì tư tưởng cởi mở, thông thoáng nhưng đến khi ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn lại siết chặt, hoặc có những văn bản còn quy định ngược với những gì trong luật nêu. Do vậy, phải kiểm soát tốt khâu ban hành từ luật đến nghị định, thông tư. Đây là điều không dễ dàng với Việt Nam, bởi ban soạn thảo luật nhiều khi không phải là người soạn thảo nghị định, thậm chí còn là cơ quan khác, tạo khung pháp lý không nhất quán.

Thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là luật tốt nhưng người thực hiện không có cái tâm để triển khai, vì lợi ích cá nhân mà hành doanh nghiệp. Tôi có thể nói rằng đây là tàn dư của bộ máy mà chúng ta vẫn nghĩ là quản lý, nghĩa là tôi có quyền quản anh, có quyền yêu cầu anh.

Trong bối cảnh đổi mới thể chế, chúng ta phải chuyển bộ máy từ việc hiểu mình là người quản lý, quản trị sang việc đi phục vụ, bởi chúng ta cần hiểu đang dùng tiền của ai để nuôi bộ máy công chức. Đó chính là tiền của dân, tiền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ra của cải cho xã hội, đóng thuế nuôi bộ máy hành chính nên bộ máy này phải có trách nhiệm tạo ra sự thuận lợi để doanh nghiệp có nhiều lợi nhuận, tái sản xuất mở rộng và nộp thuế nhiều hơn cho chính quyền. Khi đó, hiệu quả của bộ máy sẽ được đánh giá dựa trên chất lượng phục vụ, không phải là đã quản được cái gì.

- Bộ trưởng bình luận gì về việc khối doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế hơn doanh nghiệp trong nước?

- Năm 2014, khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD của Việt Nam. Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, đây là thành quả, nhưng ở góc độ sức khỏe của nền kinh tế, đây lại là điều khiến tôi trăn trở.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần có doanh nghiệp nội địa mạnh, bởi chỉ như vậy Việt Nam mới tiếp thu được những tinh hoa công nghệ mới của nước ngoài, song vừa qua chúng ta không làm được vì không có một đội ngũ đủ mạnh. Sản phẩm Samsung xuất khẩu khắp thế giới đề là 'Made in Vietnam' nhưng nhiều người vẫn nghĩ đó là của Hàn Quốc, chỉ có cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc... họ mới nghĩ là của chúng ta. Do đó, thương hiệu là điều cần phải xây dựng.

Ngoài ra, chỉ có đội ngũ doanh nghiệp mạnh mới khiến sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu ra quốc tế. Nếu không làm được điều này, chúng ta phải chấp nhận một nền kinh tế bị ràng buộc.

Ở giai đoạn này, Việt Nam chấp nhận phải mời doanh nghiệp nước ngoài để tạo công ăn việc làm, tăng trưởng, nhưng cùng với đó phải chăm lo nhiều hơn phát triển doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Nhiều người nói đến tư nhân là e ngại, nhưng điều đó đã lạc hậu. Chúng ta nói Nhà nước do dân, vì dân, doanh nghiệp tư nhân chính là của người dân nên phải chăm lo cho họ, không thể phân biệt tư nhân với Nhà nước.

Do đó, ngay năm 2015, Việt Nam phải có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, để họ trở thành nền tảng đóng góp vào động lực tăng trưởng kinh tế.

- Vậy theo Bộ trưởng, sẽ cần những ưu đãi gì để khu vực tư nhân phát triển?

- Nếu chỉ tóm gọn một chính sách cho doanh nghiệp tư nhân thì tôi nghĩ không đủ bởi có rất nhiều việc phải giải quyết và việc nào cũng quan trọng. Tháo gỡ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là điều căn cơ, tạo nền tảng cho doanh nghiêp tiếp cận thị trường, ngoài ra cũng cần có những chính sách về tiếp cận vốn ngân hàng hay các chương trình ươm mầm tài năng.

Những trung tâm ươm các tài năng, nghe thì xa lạ nhưng nước ngoài đã làm rất tốt. Nếu một cá nhân có ý tưởng, cần có cơ quan hỗ trợ để họ tự tin phát triển bởi nếu tự mày mò trong môi trường này chắc sẽ nhanh nản chí.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng dự kiến cuối năm 2015 sẽ trình Chính phủ xây dựng luật về doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà thực chất đây là doanh nghiệp tư nhân. Có rất nhiều việc phải làm, bao gồm tạo nền tảng cho doanh nghiệp thành lập thuận lợi nhất, xây dựng trường đào tạo nghề cho doanh nghiệp; chính sách tiếp cận tín dụng dễ dàng, minh bạch hơn; hỗ trợ thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về hội nhập, cạnh tranh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuyển giao công nghệ...

Năm 2015 sẽ phải là năm của doanh nghiệp, cả xã hội phải đồng thuận để làm nhiều hơn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển đất nước.

- Bộ trưởng dự báo thế nào về sức khoẻ của doanh nghiệp năm nay?


- Tôi khẳng định việc đóng cửa, giải thể sẽ không bao giờ dừng lại, vì quy luật sinh tồn trên thế giới là có thành lập thì có giải thể để chọn lọc. Mục tiêu của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường thì khi ra đi cũng phải dễ dàng, bởi có đơn vị kinh doanh vài tháng có thể thấy không ổn. Theo tỷ lệ trung bình của thế giới, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì sau 5 năm chỉ còn khoảng 65-70% tồn tại. Do vậy, không thể nói doanh nghiệp chết đi là nguy hiểm mà đây là điều hết sức bình thường.

Vừa qua, vì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng có nhiều doanh nghiệp chết oan, nhưng với xu thế kinh tế đang tốt lên thì những doanh nghiệp như vậy sẽ thu hẹp lại, số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất gia tăng.

- Năm 2015 cũng được đánh giá là năm hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức độ thích ứng hiện nay của doanh nghiệp với tiến trình hội nhập?

- Hội nhập quốc tế mạnh mẽ sẽ thêm không gian phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất và tạo công ăn việc làm. Khi tham gia sân chơi chung lớn hơn, Việt Nam cũng phải làm mới mình để phù hợp với thế giới. Đây là động lực tốt, tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt.

Lúc này, chúng ta phải đối mặt với thách thức khi môi trường kinh doanh chưa tốt, bộ máy cũng chưa sẵn sàng. Đặc biệt, tôi lo lắng nhất là doanh nghiệp không có đủ thông tin và chưa chuẩn bị. Do vậy, cần phải tuyên truyền cho doanh nghiệp biết khi tham gia những hiệp định thì sẽ phải đổi mặt với những gì và làm cách nào để vượt qua để ngăn chặn hệ quả xấu.

Tiếc rằng vừa qua chúng ta đàm phán tham gia hội nhập thì mạnh mẽ, hiệu quả nhưng khâu triển khai trong nước, hướng dẫn các doanh nghiệp về những giải pháp lại chưa có kế hoạch cụ thể.

- Bước sang năm 2015, Bộ trưởng nhận định những vấn đề nào sẽ là trọng tâm?

- Năm 2015 sẽ là năm có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên, Việt Nam sẽ bước vào hội nhập sâu hơn, thực tiễn hơn trên thương trường quốc tế. Điều này đặt chúng ta vào thách thức giữa một cơ hội phát triển và việc bị cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Nếu không làm tốt, Việt Nam không những không tạo nên được lợi thế mở rộng thị trường mà còn bị thu hẹp.

Điều thứ hai đáng quan tâm là sức khỏe của doanh nghiệp. Một nền kinh tế mạnh, tự chủ là phải có hệ thống doanh nghiệp nội địa mạnh mẽ, song điều này lại đang là thách thức lớn.

Tôi nghĩ rằng hai vấn đề này rất lớn và chúng ta cần phải giải quyết trong năm 2015.

 

VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo