Bỏ quên di tích quốc gia giữa lòng thủ đô
Giữa hệ thống di tích di sản giàu có, bề thế của thủ đô Hà Nội, vẫn còn những di tích lịch sử văn hóa quan trọng và có kiến trúc độc đáo đang bị quên lãng, ngập ngụa trong cỏ dại, bùn đất. Đau xót hơn, đó không phải là một di tích vô danh mà là một di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích cấp quốc gia từ năm 1964.
Khu di tích lăng đá quận công Phạm Mẫn Trực thuộc xóm 3, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội - một trong những di tích hiếm hoi được kết cấu hoàn toàn bằng đá mang dáng dấp nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ 18 đang rơi vào thảm cảnh như thế. Hiện khu di tích cấp quốc gia này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ nếu không được “cứu chữa” kịp thời.
Quận công Phạm Mẫn Trực là quan võ thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18), từng làm trong đội tượng binh và tổng thái giám của triều đình vua Lê, chúa Trịnh, sau khi mất được chôn cất ở quê nhà. Lăng mộ của ông được xây vào năm 1713 với một khu vực lớn, gồm các hạng mục tường bao, cổng vào, nhà tiền tế (hiện không còn), khu bi đình (nhà đặt bia) và khu mộ với những bức phù điêu bằng đá tuyệt đẹp, những bức tượng voi đá, chó đá có kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật.
Đối với dân làng Lại Yên, cụ Quận công Phạm Mẫn Trực là người có công với nước, có công lớn với dân làng, được dân làng tôn vinh là “Hậu Phật Hậu Thần” của làng nên họ vô cùng đau đớn và bức xúc trước cảnh tượng lăng đổ nát của cụ. Chị Hiên, cán bộ văn hóa xã Lại Yên chia sẻ: “Di tích nằm ở giữa làng, nhiều năm nay, mỗi lần đi qua, nhìn cảnh đổ nát, bùn đất lầy lội trong lăng mà chúng tôi rất xót xa”.
Do ở địa thế thấp và không có hệ thống thoát nước, nên những ngày trời mưa, lăng cụ Quận chìm sâu trong nước. Hơn 300 năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, mặc dù nằm trong diện cần được bảo tồn nhưng hiện nay, toàn bộ khu cổng lăng đã bị chìm trong bùn đất, xập xệ, phải dùng cọc gỗ chống đỡ. Ngay trước cổng lăng là một cái cống sũng nước mưa bẩn thỉu, được che đậy bằng một viên gạch vuông nhếch nhác. Đôi tượng chó đá rất đẹp bị chìm sâu trong bùn, chỉ còn nổi lên có một nửa.
Phía bên trong, từng phiến đá ở cổng sắp sửa bung ra, có thể khiến cho toàn bộ chiếc cổng sập xuống. Đôi voi đá hai bên cũng bị chìm xuống đất đến một phần ba. Bức tường bao quanh bằng đá ong bị mất đi chỉ còn phần móng tróc lở, cây dại mọc um tùm khiến cho khu lăng đá trở nên hoang tàn.
Nhà bia (bi đình) bên phải bị nghiêng ngả, xập xệ. Các phiến đá xanh đang dần “rụng” ra khỏi mái và thân đình, người dân phải tạo khung sắt chống đỡ tạm thời cho khu bi đình không bị sập. Các phiến đá xanh ở mái đình đang rời ra, được “níu” lại tạm thời bằng ximăng và gạch vỡ nhưng không hề có tác dụng.
Ông Phạm Đình Bằng - Trưởng ban đại diện dòng họ Phạm ở Lại Yên buồn rầu kể: “Chúng tôi có nhiều đề nghị quá nên xã, huyện, thành phố có một chút quan tâm nhưng tất cả nó chưa đi đến kết quả gì cả”. Theo nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng - người đã viết thư, lên tiếng tha thiết kêu cứu cho khu di tích này thì cách làm này chỉ càng làm cho các phiến đá ở khu di tích nhanh rơi vỡ hơn.
Khu mộ bị sụt lún nặng nề, dây leo bám dày đặc đến nỗi, phải rẽ chúng ra mới có thể ngắm được các hạng mục của di tích. Mộ phần của quận công Phạm Mẫn Trực nằm giữa lầy lội bùn đất, phiến đá cổ có khắc chữ như bị lãng quên, cỏ dại trùm lên, người dân phải dọn dẹp một lúc mới có thể nhìn thấy dòng chữ: “Phạm tướng công mộ” đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của một quận công. Hai chiếc đầu dư hình đầu rồng được tạo tác khá đẹp với những đường nét chau chuốt cũng sắp rụng khỏi chiếc cổng nhỏ nối tiếp phần thờ tự và phần mộ.
Ông Phạm Đình Hựu - người đã nhiều năm trông coi lăng Quận công - không cầm nổi nước mắt, “Lăng cụ bây giờ xuống cấp quá, là con cháu mà không thể làm gì cho cụ yên lòng dưới suối vàng, chúng tôi biết là vô cùng có tội với cụ”. Ông Nguyễn Quang Giáp - thành viên của ban đại diện dòng họ cho biết: “Năm 1963, bộ văn hóa về đây xếp hạng, lăng cụ Quận công nhà chúng tôi xếp thứ 29 trong tổng số 1.700 di sản của cả nước. Cụ có công rất lớn với đất nước và nhân dân. Đã 50 năm từ ngày được xếp hạng di tích mà nhà nước chưa bao giờ trùng tu, tôn tạo di tích lấy một lần, để cho lăng của cụ đổ nát như hôm nay”.
Khu đất 50m2 phía trước của lăng, xưa kia là khu nhà đại bái quy mô, nơi diễn ra các hoạt động tế lễ tưởng nhớ Quận công Phạm Mẫn Trực, với ao sen và cổng di tích tạo nên một khu lăng mộ bề thế và hoành tráng. Do quá trình hợp tác xã từ những năm 60 nên người ta dỡ bỏ cái nhà đại bái khổng lồ phía trước để làm nhà kho. Sau khi nhà đại bái bị dỡ bỏ, khu đất trở thành hoang hóa, có nhiều năm trở thành bãi rác hôi thối, bẩn thỉu khiến người dân hết sức bất bình. Hiện nay khu đất đó do UBND xã Lại Yên quản lý, xây tường rào xung quanh, cho tư nhân thuê để đào ao, thả cá mà chưa trả lại cho di tích.
Thực tế, các cơ quan chức năng cũng có lần lên kế hoạch trùng tu lăng cụ Phạm Mẫn Trực, nhưng đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dòng họ và nhân dân Lại Yên. Lý do được đưa ra là dự án trùng tu sơ sài, nhỏ lẻ, không phù hợp, không xứng tầm với một di tích quốc gia.
Ông Chu Thời Trung - thành viên của Ban đại diện dòng họ Phạm Đình bức xúc: “Chúng tôi rất đau khổ, đau xót cho cụ tổ của mình, chúng tôi không nhận 500 triệu hỗ trợ trùng tu vì sợ trùng tu rồi họ sẽ bỏ quên một lần nữa. Chúng tôi muốn phải trùng tu toàn bộ, hoạch định ranh giới khu di tích, yêu cầu xã trả lại ao sen và khu đất xây nhà đại bái cho di tích. Hơn nữa, đây là một di tích có giá trị kiến trúc và nghệ thuật độc đáo nên chúng tôi cần sự vào cuộc của các chuyên gia văn hóa để bảo tồn được di tích này. Di sản quá lớn, vượt tầm kiểm soát của dòng họ chúng tôi. Di tích cấp quốc gia lớn như thế này mà nhà nước bỏ quên mất rồi”.
“Công của cụ tổ chúng tôi cũng lớn, chức quan cũng to, lăng của cụ cũng hoành tráng, cớ sao tỉnh Hà tây cũ và thủ đô Hà Nội lãng quên cụ. Hay là thủ đô quá giàu có về di sản, mà người ta bỏ quên một di tích quốc gia” - những lời nói đau đáu ấy cứ xoáy mãi vào suy nghĩ của tôi.
Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo