Bổ sung vốn ODA nguồn Ngân sách Nhà nước cho các Bộ, địa phương
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số vốn, danh mục dự án giao cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương mức vốn cụ thể cho từng dự án.
Về nguyên tắc giao, Nhà nước chỉ bổ sung danh mục dự án ODA thuộc đối tượng cấp phát từ ngân sách trung ương và có nguồn vốn cấp của nhà tài trợ chưa giải ngân (bao gồm cả phần vốn ngân sách trung ương theo Hiệp định và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền của các dự án ODA hỗn hợp).
Trong đó, đối với dự án chuyển tiếp phải là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch các năm trước nhưng chưa giải ngân hết số vốn cam kết của nhà tài trợ. Còn đối với các dự án khởi công mới, chỉ bổ sung danh mục và kế hoạch năm 2015 cho dự án đã ký kết Hiệp định với các nhà tài trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số vốn ODA bổ sung kế hoạch năm 2015 cho từng dự án không vượt quá số vốn ODA cấp phát nguồn ngân sách trung ương theo quy định tại Hiệp định hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án và phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng cấp vốn của nhà tài trợ trong năm 2015; không bổ sung kế hoạch vốn năm 2015 cho các dự án chưa ký kết Hiệp định hoặc chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt; không thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách trung ương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn bố trí cho các dự án.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ giai đoạn 2010-2012 đạt 21,778 tỷ USD. Từ năm 2013, khi Việt Nam trở thành đối tác phát triển, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) không có cam kết ODA.
Mức cam kết ODA thể hiện sự đồng tình và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Giai đoạn 2010-2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể thời kỳ 2010 - 2014 đạt trên 27,116 tỷ USD, trong đó vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ước đạt 25,746 tỷ USD chiếm khoảng 94,95%; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ước đạt 1,370 tỷ USD chiếm khoảng 5,05% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết cho thời kỳ này.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết 9 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 2.729 triệu USD, trong đó vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt khoảng 2.698 triệu USD, vốn ODA đạt khoảng 31,91 triệu USD. Ước thực hiện cả năm 2015 ký kết đạt khoảng 3.500 triệu USD.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN (vốn nước ngoài - vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài), trong báo cáo mới đây của Chính phủ, cho thấy, tổng số vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2010-2015 là 96.519 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, ngành trung ương là 51.840,2 tỷ đồng, tập trung chủ yếu để bố trí cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Các địa phương là 44.978 tỷ đồng. Ước giải ngân vốn nước ngoài giai đoạn 2010-2015 đạt khoảng 237.933 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2010-2014 đạt 187.933 tỷ đồng (Các bộ, ngành, cơ quan trung ương đạt 99.763 tỷ đồng. Các địa phương là 88.171 tỷ đồng). Ước giải ngân cả năm 2015 đạt 50.000 tỷ đồng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)