Bộ trưởng có xót tiền Nhà nước?
Phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường chiều 13-6 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp tục “nóng” với hàng loạt câu hỏi về quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý và sử dụng vốn viện trợ ODA; cơ chế xin-cho trong đầu tư công; tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội...
Không nắm được sai phạm tại Vinalines
Mở đầu, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chỉ rõ “địa chỉ” trách nhiệm của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính và một số bộ liên quan trong công tác quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn thẳng về trách nhiệm của bộ khi các sai phạm của các “ông lớn” như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều do Thanh tra Chính phủ hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Về nguyên tắc, trong các vụ việc này, chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật Doanh nghiệp đã trao quyền tự quyết và chịu trách nhiệm cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Vì thế, trên thực tế, các đơn vị này không báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước.
Sẽ quản lý chặt việc giao vốn Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi: “Lâu nay, dư luận râm ran có tình trạng chạy dự án, đề nghị bộ trưởng làm rõ có chuyện này hay không?”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đáp: “Nếu tôi phát hiện được việc chạy dự án thì tôi đã có kỷ luật nhưng nếu bảo không có chạy dự án tôi cũng không tin”. Theo bộ trưởng, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã có chủ trương để tham mưu cho Chính phủ về biện pháp phòng chống tham nhũng, “xin-cho” trong dự án. Theo đó, sắp tới đây, sẽ quản lý chặt việc giao và sử dụng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, không để xảy ra tình trạng “chạy” vốn cho dự án. |
“Các vụ Vinashin và Vinalines, Bộ Tài nguyên và Môi trường không nắm được vì không có báo cáo” - ông Vinh phân trần. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong các dự án đầu tư có sai phạm, Vinalines chỉ báo cáo đại diện chủ sở hữu mà không báo cáo với các bộ - ngành quản lý. Thậm chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương đến mà họ còn không tiếp. “Trách nhiệm thì chúng tôi nhận nhưng cụ thể là khó” - ông Vinh nói.
San sẻ với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Trong sai phạm ở Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng, trách nhiệm chính là của chủ tịch tập đoàn và giám đốc các đơn vị thành viên. Không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Tài chính”.
“Tôi rất xót xa và trăn trở”
Nhắc lại chuyện cách đây hai năm, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và một ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tranh luận ngay tại hội trường khi nói Bộ Kế hoạch-Đầu tư vô can trong sai phạm xảy ra tại các tập đoàn Nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn: “Bộ Kế hoạch-Đầu tư đứng ngoài, vô can trong vụ Vinalines và Vinashin? Toàn bộ là do hội đồng quản trị, tổng giám đốc các đơn vị? Làm tham mưu cho Chính phủ, bộ trưởng có xót xa khi đồng tiền của nhân dân được các tập đoàn đó sử dụng, chi tiêu như là tiền riêng không?
Trước sự bức xúc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đáp: “Tôi rất xót xa và trăn trở”. Tuy nhiên, ông cũng nhắc tới “lỗ hổng luật pháp” khi cho rằng trong những luật này, luật kia về cơ bản chưa thật hoàn thiện và có thể mỗi một kỳ Quốc hội lại nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những sai phạm vừa qua phần lớn liên quan đến con người. “Người ta biết là sai phạm nhưng vẫn cố tình làm. Việc tích cực hoàn thiện thể chế như vừa nêu còn phải quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền - hàng” - ông Vinh kiến nghị.
Trước câu hỏi về quan điểm của Bộ Kế hoạch-Đầu tư trong việc giao vốn Nhà nước quá lớn cho các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định không thể buông được. “Vốn chủ sở hữu là do Nhà nước cấp, kể cả vốn đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì vậy, khi doanh nghiệp Nhà nước đổ bể thì Nhà nước lại bảo lãnh, không buông như tư nhân được”.
Theo bộ trưởng, các dự án lớn đều phải báo cáo, không thể tự quyết được. “Không thể nào trao quyền tự quyết cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tất nhiên, luật thì đã quy định rồi nhưng theo tôi, cơ chế sẽ phải thay đổi, chúng tôi đang kiến nghị theo hướng này” - người đứng đầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhấn mạnh.
Xử nghiêm nếu sai phạm ở dự án ODA
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) liên quan ba dự án ODA đang bị Đan Mạch xem xét, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đây là ba dự án do Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. “Ngay khi có thông tin, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã yêu cầu cơ quan hữu quan làm việc trực tiếp với hai bộ quản lý các dự án này và Đại sứ quán Đan Mạch. Phía Đan Mạch cho biết đây là mới nghi vấn, chưa dừng hẳn việc cấp vốn ODA mà chỉ tạm dừng để xem xét” - Bộ trưởng Vinh nói. Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học-Công nghệ và các bộ liên quan rà soát lại từng dự án kể từ ngày 13/6. Theo bộ trưởng, hiện phía Việt Nam cho rằng không có vi phạm trong ba dự án này. “Còn nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm khắc để lấy lại niềm tin của các nhà tài trợ. Vốn ODA trong thời điểm hiện nay rất quan trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta cắt giảm đầu tư công” - Bộ trưởng Vinh cam kết.
|
Vẫn chưa đồng tình, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng vụ Vinashin cho thấy có lỗ hổng về pháp lý. “Một vụ việc như vậy mà các bộ liên quan như Tài chính, Kế hoạc - Đầu tư không có trách nhiệm gì hết. Tất cả dồn vào Thủ tướng và Thủ tướng phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Đó là lỗ hổng pháp lý” - ông Lịch bức xúc. Theo đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên xem lại việc xác định trách nhiệm trong các vụ việc này. Cơ chế hiện nay không thể loại bỏ trách nhiệm của ba bộ là Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính và bộ quản lý ngành.
Trước chất vấn gay gắt này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Chính phủ đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp là ai và cũng phân rõ bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các đơn vị trực thuộc. “Bây giờ phải có người chịu trách nhiệm chính, có quyền kiểm soát, thanh tra, tiếp cận với doanh nghiệp và thường xuyên được báo cáo, xin ý kiến, chứ không phải tiền của Nhà nước tiêu như tiền của tư nhân” - ông Vinh nói.
Nhà nước chỉ định hướng tái cơ cấu kinh tế
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn: “Tái cơ cấu nền kinh tế cần nguồn lực song nguồn lực này lấy ở đâu? Nếu lấy từ ngân sách Nhà nước thì Chính phủ có bảo đảm?”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn cần nguồn lực. Tuy nhiên, đây là đề án tổng thể, định hướng quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho các đề án thành phần.
Sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh và giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án thành phần. “Chính phủ đã có bốn dự án thành phần, gồm: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống tài chính, chứng khoán và tái cấu trúc doanh nghiệp. Những dự án này có thể tính được tiền để tái cấu trúc nhưng chưa tính được cụ thể. Tới đây, cộng với đề án chi tiết, ta có thể hình thành từng bước tổng nhu cầu là bao nhiêu... Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này, chúng ta chọn lựa vấn đề chính yếu cốt lõi, trọng tâm chứ không chọn tất cả các lĩnh vực để tính chi phí” - ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng trấn an rằng sẽ không có chuyện Nhà nước bỏ ra gói “bao nhiêu ngàn tỉ đồng” để tái cơ cấu nền kinh tế. Thay vào đó, theo ông, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng chính sách để các bộ phận trong nền kinh tế thấy lợi mà làm theo.
Ví dụ, các ngành nghề chuyển từ công nghệ kém, ô nhiễm, không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu mà chuyển sang công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì Nhà nước có định hướng và ưu đãi như miễn giảm, hỗ trợ công nghệ nguồn… “Khi có chính sách như vậy thì sẽ xuất hiện nguồn lực” - ông Vinh tin tưởng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo