Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Sáng nay 15/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Theo chương trình chất vấn của Quốc hội, dự kiến nội dung chất vấn của Bộ Công Thương sẽ gồm: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, các câu hỏi chất vấn cũng sẽ yêu cầu người đứng đầu ngành công thương trình bày về chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế; phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.
Tại phiên đăng đàn trả lời chất vấn đầu giờ sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn trước Quốc hội các vấn đề liên quan đến 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ.
Cụ thể, các dự án này là: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; Dự án Mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư, đến năm 2009, được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam – Vinapaco; và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) nêu vấn đề, báo cáo tới Quốc hội về nguyên nhân của những siêu dự án do Nhà nước đầu tư, Bộ Công Thương quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ có những hành động, vẫn hiểu là có sai phạm trong quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ những sai phạm này, đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản trị doanh nghiệp và quản lý Nhà nước? Bộ trưởng có kiến nghị gì để không lặp lại tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua?
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhắc lại lo lắng của dư luận và đại biểu về tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án bô xit Tây Nguyên. Bà Kim Thuý đề nghị Bộ trưởng Công Thương đánh giá những cam kết giải trình của người tiền nhiệm trước đây như thế nào và cam kết giải quyết ra sao?
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ gửi tới các đại biểu Quốc hội. Ông cho biết, 5 dự án này được đầu tư từ năm 2008 đến nay trong nhiều lĩnh vực: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép... Trong từng lĩnh vực và dự án cụ thể đi sâu phân tích, theo tính chất đặc thù của ngành, dự án có nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đánh giá chung tổng thể thì rất khó.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, các dự án này đều có chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. Như dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, nhưng tới giờ cũng không tất toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành. Các dự án này cũng có điểm chung là thị trường thế giới có biến động: dầu thô từ mức hơn 100 USD một thùng tới hơn 170 USD một thùng, hiện nay chỉ còn trên dưới 40 USD/thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Nên các dự án Xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.
Theo Bộ trưởng, chính sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện triển khai nên nhiều dự án kéo dài, dự án thực hiện không đúng theo hợp đồng. Trong quá trình tham gia triển khai thực hiện thì đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiểu quả vì nhiều lý do....
"Vì thế các dự án này hiện nay hiệu quả kinh tế đều không còn, dù có vận hành thương mại cũng không đủ cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cho biết các giải pháp của các dự án này, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản, Nhà nước trong các dự án này. Các giải pháp xử lý cũnh phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế. "Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản, ... nếu cần thiết", ông nói.
Người đứng đầu ngành công thương nói thêm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo Chính phủ. Cụ thể Gang thép Thái Nguyên, dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu xăng sinh học .... Bộ đã có giải pháp báo cáo Chính phủ và sau cuộc họp này Chính phủ sẽ họp, đưa ra quyết định cụ thể.
Về trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án này..... trách nhiệm nếu cố tình làm sai, có thể bị truy tố, xét xử. Ông Tuấn Anh cho biết, không loại trừ có sự cố tình làm sai trong quản trị doanh nghiệp do các dự án có tính chất đặc thù khác nhau, nhưng dù một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... cơ quan quản lý sẽ tập hợp và báo cáo Chính phủ.
"Tuy nhiên, với các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án trên... sẽ bị xử lý nghiêm; thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự", Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo