Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Hoàn toàn không thất thoát vật tư và tham nhũng dự án điện mặt trời

Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử: Phải bố trí, sắp xếp lại để có quỹ đất, không hiệu quả thì chuyển đổi đất

Người dân ở một số vùng sâu vùng xa,  miền núi dân tộc  nước ta vẫn còn nghèo. Làm thế nào để nâng cao đời sống người dân những vùng này, chính sách hỗ trợ các hộ dân đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất hay những thắc mắc của người dân xung quanh dự án điện mặt trời… là những vấn đề chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử  trả lời trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.   

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử
 
PV: Câu hỏi đầu tiên chuyển đến Bộ trưởng là của một người dân ở vùng dân tộc thiểu số như sau: Nhà tôi rất nghèo, lại có đông con nhỏ, khi nghe đài đọc báo tôi được biết có chính sách cho các hộ dân đặc biệt khó khăn ở vùng thiểu số vay vốn phát triển sản xuất. Tôi rất mừng, vậy tôi muốn hỏi Bộ trưởng tiêu chuẩn như thế nào thì được vay vốn? Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi này của người dân?
 
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Để được vay vốn cho sản xuất nâng cao đời sống trước hết phải nằm trong danh sách bình xét là hộ nghèo tại nơi mình cư trú, ở địa bàn đặc biệt khó khăn, có hộ khẩu thường trú không phải là di cư tự do, có nhu cầu vay vốn, phương án sản xuất hiệu quả. 
 
Cuối cùng để làm rõ hơn ngân hàng chính sách có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn và nghiệp vụ, tiêu chuẩn thế nào để được vay vốn tổ chức sản xuất. Tôi mong gia đình bạn đủ tiêu chí trên để được nằm trong danh sách vay vốn. Bạn hãy nói với nhiều người nữa có chung hoàn cảnh như thế đến ngân hàng chính sách để được hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để được vay vốn nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.
 
PV:  Liên quan đến việc triển khai một số dự án sử dụng vốn vay ODA của nước ngoài, một số người dân thắc mắc liệu có sự lãng phí không ở Dự án điện mặt trời, do Phần Lan tài trợ vốn ODA lên đến hàng tỷ đồng, khi mà nhiều thiết bị vẫn nằm phơi mưa phơi nắng chưa có hiệu quả. Vậy Bộ trưởng cho biết có hiện tượng này hay không? Và được biết sau khi có ý kiến của Thủ tướng, thì Bộ trưởng đã có quyết định thanh tra. Vậy kết quả thanh tra như thế nào?
 
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Theo quyết định của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ, Dự án này tài trợ và lắp 6 hệ điện cho 17 huyện của 8 tỉnh và 70 xã. Cho đến 2010, điện lực Việt Nam không có khả năng kéo đến vùng đặc biệt khó khăn. Điện này là điện mặt trời nhưng chỉ kéo cho 70 xã đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã thôi chứ không phải là điện thắp sáng. Năm 2014 đã bàn giao điện đưa vào sử dụng. Đây là dự án được tài trợ hoàn toàn bằng thiết bị vì thế sắt thép, cột ang ten để ngoài trời chứ không phải có nhà kho. Khẳng định việc đó là có.
 
Thông qua báo chí Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, chúng tôi là người đứng đầu của Dự án này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc này. Tôi quyết định thành lập đoàn thanh tra, thanh tra toàn diện Dự án. Đến thời điểm này kết thúc thanh tra và kết luận thanh tra khẳng định, các nhà thầu có khó khăn vì đường xá không thuận tiện nên chủ yếu là chậm tiến độ và một số vật tư nhỏ, có thể là thất lạc. Thứ 2 tôi khẳng định không có thất thoát vật tư, không có tham nhũng lãng phí. Tôi xin khẳng định lại đây là kết quả kết luận thanh tra chính thức.
 
PV:  Thưa Bộ trưởng hiện nay mùa mưa bão đã đến gần vấn đề di dân đối với đồng bào dân tộc miền núi ra khỏi những vùng xung yếu, nguy hiểm được Ủy ban Dân tộc quan tâm như thế nào để đảm bảo cuộc sống cho bà con ở vùng sâu vùng xa?
 
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Từ trươc đến nay chúng tôi vẫn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt là vùng dễ bị lũ quét, lũ ống và sạt lở đất chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi sẽ trao đổi thống nhất, chỉ đạo địa phương với chức năng của mình tiếp tục thông báo đến đồng bào để đồng bào phát hiện vùng nào là vùng nguy cơ sạt lỡ, lũ quét, đặc biệt là vùng ven sông, suối, vùng cao thì phải chủ động phòng tránh. 
 
Tôi đề nghị cấp ủy chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đạo các sở ngành, các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, xã và người dân phải khảo sát ngay lập tức những vùng có nguy cơ sạt lở và đề nghị các địa phương chủ động phòng tránh là chính, chuẩn bị nguồn lực ứng cứu khi sự cố xảy ra. Chuẩn bị mọi phương án cứu hộ cứu nạn để ứng cứu kịp thời người dân nơi xảy ra thiên tai.
 
PV:  Trong một buổi làm việc mới đây của Thủ tướng với Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có ý kiến cho rằng đồng bào dân tộc đang bị thu hẹp phạm vi sinh tồn và thiếu đất sản xuất vậy Bộ trưởng có hướng giải quyết như thế nào về vấn đề này?
 
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Chúng tôi rất phấn khởi được Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì với các bộ ngành rà soát lại toàn bộ các chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi. Để khắc phục tình trạng thiếu đất các địa phương phải tự cân đối đất, bình xét thực sự là thiếu đất chứ không phải lợi dụng chính sách của nhà nước để lấy đất. Thứ 2 là bố trí đất để chuyển đổi ngành nghề và mở rộng các ngành nghề sản xuất, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà phải kết hợp với xuất khẩu lao động, dạy nghề…
 
Để giải quyết tình trạng người dân ở một số tỉnh phía Bắc di cư vào Tây Nguyên cần phải bố trí đầu tư các tỉnh phía Bắc đủ nước. Ví dụ Hà Giang rất thiếu đất, thiếu nước thì phải xây bể, làm thủy lợi, có bể chứa cho đồng bào có nguồn nước sinh hoạt; sắp xếp lại các dự án dọc toàn tuyến Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam – Campuchia để vùng đồng bào này đỡ khó khăn. Đối với điểm đến cũng cần có dự án sắp xếp dân cư cho ổn định, bố trí cho dân chỗ ở để không phải chuyển sâu vào trong rừng; phải bố trí, sắp xếp lại để có quỹ đất, không hiệu quả thì chuyển đổi đất, chuyển giao cho chính quyền địa phương để có quỹ đất không để cho người dân không có đất sản xuất, không có đất ở, đảm bảo nâng cao đời sống cho đồng bào. Đây là chủ trương đúng và chúng ta cần xúc tiến thường xuyên, những vùng bức xúc cần giải quyết ngay, giải quyết sớm.
 
Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo