Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Nói thì ai chẳng nói được
Vô vàn các bức xúc của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi phiên chất vấn về thực hiện chính sách giảm nghèo diễn ra sáng nay 25.4, nhưng Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử còn bức xúc hơn: “Các đồng chí cứ chất vấn đi, tôi sẵn sàng trả lời, ông Phử làm chính sách nhưng ông Phử không có tiền”.
Hũ gạo thì ít, hũ rượu thì nhiều
Là người trực tiếp giám sát ở Tây Nguyên, trước nghị trường, ĐBQH Nguyễn Thị Khá phác ra một “mặt bằng dân trí thấp” nơi thậm chí cả thôn không có người tốt nghiệp phổ thông, những cánh đồng bạt ngàn ngô khoai sắn, cây công nghiệp nhưng của người kinh, đồng bào đi làm thuê. Hỏi sao không vay tiền? Đồng bào trả lời: Không biết vay tiền chính sách làm gì, lấy đâu để trả. Nhiều gia đình “Mẹ làm thuê, bố ở nhà trông con. Hũ gạo thì ít, hũ rượu thì nhiều”.
Bà Khá chất vấn về những “Giải pháp quyết liệt làm thay đổi nhận thức nâng cao dân trí và ý chí tự lực vươn lên?”. Nhất là trong hoàn cảnh hơn 300 ngàn hộ người dân tộc thiểu số đang không hoặc thiếu đất sản xuất, còn những người được cấp thì “Đất được cấp chồng lấn, không nhận được. Đất được cấp nhưng cách nhà 30 - 40km”.
PCT Hội đồng dân tộc Danh Út thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân đói nghèo của đồng bào mà do mất đất, do “sân golf, khu công nghiệp, thủy điện”… Ông Út đặt câu hỏi vì sao đối với việc bố trí đất khi “ngay xung quanh là 6 triệu ha đất nông lâm nghiệp mà nhiều nơi đang sử dụng thiếu hiệu quả, không đúng mục đích”.
Mua gì cũng phải có tiền trong túi mới mua được
Xác nhận thiếu đất là vấn đề nóng hổi, là “Thực trạng đang diễn ra hàng ngày”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nêu ra tới 4 nguyên nhân: Do sức ép về dân số. Do đời sống khó khăn. “Có những bản làng thiên tai ập xuống là mất hết, không còn tí nào”. Nhiều tỉnh quỹ đất không còn một chút nào, kể cả đất ở chứ không nói đến đất sản xuất.
Xin “nói rất thẳng thắn”, ông Phử khẳng định “Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý”. “Chúng ta thu hồi đất vào mục đích công cộng nhưng triển khai vào từng dự án không khả thi. Chủ trương là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhưng ai là người thực hiện ai chịu trách nhiệm?”
Bộ trưởng cũng cho rằng “đồng bào dân tộc là nạn nhân của hiện tượng mua bán đất”. Và ông cũng bức xúc không kém người chất vấn: “Tình hình xảy ra thì các đồng chí chất vấn, vậy thì các đồng chí đứng ở vị trí nào? Lẽ ra phải mời các chủ tịch bí thư lên để giải trình. Ngân sách giao cho anh, anh phải tổ chức thực hiện, nhưng rồi khi vấn đề xảy ra thì anh lại đứng ngoài”.
Một trong những nguyên nhân mà ông Phử cho là khách quan: Đó là tình trạng “Nhiều địa phương đúng là đã không còn quỹ đất. Mua gì cũng phải có tiền trong túi mới mua được chứ nói thì ai chẳng nói được”- ông nói.
Về nguyên nhân cơ chế chính sách, theo Bộ trưởng: “Trách nhiệm quản lý đất đai chúng ta làm không rõ ràng. Trước là Bộ NNPTNT, sau giao cho Ủy ban dân tộc, nhưng Ủy ban làm gì có chức năng quản lý NN về đất đai. Không giao nhiệm vụ, không bố trí nguồn lực thì làm sao bố trí được. Tôi có thẩm quyền thu đất các lâm trường không? Không phải như thế. Các ông có chuyển nhiệm vụ cho tôi không? Các ông có chuyển tiền cho tôi không? Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ không đúng sân. Trong khi các lâm nông trường không sắp xếp lại trong khi họ giữ một quỹ đất rất lớn. Chỗ hiệu quả chỗ không hiệu quả. Lấy ra thì không lấy ra được”. Trong khi đó “Bố trí nguồn lực cao nhất chỉ được 55%” trong tình trạng “Chưa có chính sách nào được bố trí đầy đủ nguồn lực cả”.
Bức xúc đến nỗi Bộ trưởng sẵn sàng ra trả lời chất vấn trước QH. “Các đồng chí cứ chất vấn đi, tôi sẵn sàng trả lời, ông Phử làm chính sách nhưng ông Phử không có tiền”- lời ông Phử.
Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo sẽ được trình tại QH trong kỳ họp tháng 5 tới.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo