Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có xin - cho trong phân bổ vốn
Sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Đáng chú ý, tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có phần lúng túng khi bị đại biểu Quốc hội truy vấn.
Cụ thể, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu, năm 2017 bội chi là 172.000 tỷ, tình hình hiện nay khống chế thấp hơn là hết sức cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, Chính phủ đang xin chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ chưa phân bổ 12.500 tỷ đồng; 18.000 tỷ vay về cho vay lại của 5 dự án mà VEC làm chủ đầu tư chưa xử lý và 5.000 tỷ vốn ODA đã giải ngân năm 2015 nhưng chưa có dự toán.
“Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý 3 khoản đầu tư trên như thế nào để vừa đúng luật, không làm tăng bội chi ngân sách?”, ông Hàm đặt câu hỏi.
Ông Hàm cũng đặt vấn đề, việc Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công chưa hoàn toàn thuyết phục khi lý giải việc bố trí vốn dài trải 80.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm…
“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán…? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”, ông Hàm đặt loạt câu hỏi và đề nghị được biết hướng khắc phục của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Trước khi Bộ trưởng trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích rõ hơn câu hỏi của đại biểu Hàm: Ý đại biểu muốn hỏi nguyên nhân gốc rễ của việc phân bổ vốn đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia chậm 80.000 tỷ đồng và phân bổ giải ngân ODA chậm là đổ lỗi cho Luật Đầu tư công, có đúng hay không? Hay là do cơ chế xin – cho?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, từ nay tới cuối năm khó giải ngân hết số vốn 50.000 tỷ đồng Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Do đó, Bộ đã đề xuất giảm trái phiếu Chính phủ năm 2017 xuống để giảm vốn vay, từ đó giảm bội chi năm 2017. Một phương án khác là tăng vốn nước ngoài nếu sử dụng thiếu. Thực hiện 2 hướng này, bội chi sẽ giữ nguyên theo chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 172.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia chậm, ông Dũng cho hay 80.000 tỷ dự án quan trọng quốc gia chưa phân bổ có 70.000 tỷ cho các dự án quan trọng, 10.000 tỷ đồng chống ngập TP. HCM và 5.000 tỷ cho dự án sân bay Long Thành.
Bộ trưởng Dũng tỏ ra lúng túng, nhưng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đỡ lời. Theo bà Ngân, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000 tỷ chống ngập TP. HCM, dự án cao tốc Bắc Nam hiện chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới.
“Trách nhiệm chính là do các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã chậm làm thủ tục hồ sơ ra Quốc hội, nên chưa phân bổ được", Chủ tịch Kim Ngân nói.
Trả lời thêm chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng phân trần, do thủ tục thực hiện dự án thay đổi. Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định Hiến pháp vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Tuy nhiên, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.
"Trách nhiệm Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thuộc về việc phân bổ", ông Dũng nói và nhắc l ại quá trình phân giao, phân bổ vốn: Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn. Bộ Kế hoạch hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn và Bộ Kế hoạch có nhiệm vụ thông báo.
"Không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định", ông Dũng khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu